Huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) được thành lập theo Nghị định số 51/CP ngày 21-6-1994 của Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-9-1994 với tổng diện tích tự nhiên 41.089ha, gồm 11 đơn vị hành chính, dân số khoảng 101.882 người. Đến nay, sau 30 năm thành lập, Nhơn Trạch đã có những bước phát triển mạnh mẽ và được quy hoạch phát triển thành đô thị công nghiệp - thành phố cảng và là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của Vùng TPHCM.
Từ nông nghiệp đi lên
Những ngày đầu thành lập huyện, kinh tế Nhơn Trạch chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với 80% dân số làm nông nghiệp; 90% là đường cấp phối, toàn huyện có trên 50 cầu khỉ và có nơi còn cách biệt với khu vực xung quanh, hệ thống chiếu sáng đường giao thông chưa có; chưa có hệ thống nước máy, chỉ 5/12 xã có hệ thống điện, tỷ lệ hộ sử dụng điện rất thấp (24%); đa số trường, lớp chưa có hàng rào kiên cố; hơn 1/4 dân số là hộ đói nghèo… Bù lại, Nhơn Trạch có vị trí địa lý hết sức thuận lợi, nằm ven các tuyến giao thông đường thủy, đường bộ huyết mạch của Vùng TPHCM nên có lợi thế to lớn về phát triển công nghiệp, du lịch và là một trong những huyện có sức hút mạnh về đầu tư, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh Đồng Nai cũng như vùng Đông Nam bộ.
Qua 30 năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nhơn Trạch đã nỗ lực, phấn đấu và đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực. Cụ thể, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng; tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 82%, ngành dịch vụ 17% và ngành nông nghiệp giảm còn 0,87%; thu nhập bình quân đầu người theo chuẩn nông thôn mới đạt trên 82 triệu đồng/năm, tăng hơn 50 lần so với năm 1995.
Đến nay, Nhơn Trạch là một trong những huyện trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh với 9 khu công nghiệp (KCN) và 1 cụm công nghiệp với diện tích khoảng 3.600ha, thu hút 617 dự án đầu tư, trong đó có 443 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư trên 11 tỷ USD, 174 dự án đầu tư trong nước với số vốn trên 33.500 tỷ đồng; hiện có trên 400 dự án đang hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 130.000 lao động.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chỉnh trang đô thị đã được quan tâm đầu tư, góp phần cải tạo diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; mạng lưới giao thông của huyện đã đảm bảo yêu cầu kết nối giữa các xã trong huyện, kết nối với các huyện, thành phố trong tỉnh và kết nối các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện nay trên địa bàn huyện có 2 tuyến đường cao tốc (Bến Lức - Long Thành và Long Thành - Dầu Giây) với chiều dài khoảng 25,7km; 4 tuyến đường đô thị do tỉnh quản lý (đường Lý Thái Tổ, đường Trần Phú, đường ra cảng Phước An, đường Tôn Đức Thắng) với chiều dài 54,516km và 796 tuyến đường do huyện quản lý với tổng chiều dài 319,324 km.
Đặc biệt, Nhơn Trạch đang là địa bàn cấp huyện có số thu ngân sách thuộc loại cao nhất cả nước, tỷ lệ thu ngân sách tăng khoảng 20% hàng năm, năm 2023 tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt trên 13.000 tỷ đồng (chiếm gần 20% tổng thu toàn tỉnh), tăng khoảng 280 lần so với năm 1995. Năm 2016, huyện Nhơn Trạch được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và hiện có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,87% vào năm 2023 (năm 1995 là 27,6%), đời sống người dân trên địa bàn ngày càng được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững và công tác cải cách hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.
Hướng tới TP Nhơn Trạch vào năm 2030
Theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 09-NQ/ TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nhơn Trạch được định hướng trở thành đô thị công nghiệp - thành phố cảng và là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật cho Vùng TPHCM; đến năm 2030, trở thành thành phố và đạt các tiêu chí cơ bản của một đô thị loại II. Theo đó, huyện sẽ tập trung thực hiện các chương trình đột phá của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa VI đã đề ra là: đầu tư phát triển hạ tầng; phát triển thương mại, dịch vụ, logistics; cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại hướng đến xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
Ông Nguyễn Thế Phong, Quyền Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, chia sẻ, trước mắt, huyện tập trung hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án; tăng cường công tác kêu gọi đầu tư những dự án ngoài nguồn vốn ngân sách bằng nhiều hình thức và nhiều thành phần kinh tế trong xã hội tham gia đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhất là các công trình giao thông kết nối, đặc biệt là các công trình giao thông đối ngoại kết nối Nhơn Trạch với TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và các vùng lân cận, nhất là kết nối với sân bay quốc tế Long Thành để tạo thành một hệ thống giao thông đồng bộ giữa huyện với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh thực hiện tốt công tác khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị trên địa bàn nhằm đáp ứng kịp thời cho nhân dân địa phương, nhất là các loại hình dịch vụ phục vụ các KCN; hỗ trợ các chủ đầu tư sớm triển khai đưa vào hoạt động hệ thống dịch vụ cảng biển nhóm V; huy động vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế để khai thác các tuyến, điểm du lịch theo quy hoạch được duyệt.
Mạng lưới trường lớp trên địa bàn huyện Nhơn Trạch từng bước được kiên cố hóa, phát triển rộng khắp, đã xóa tình trạng học ca 3. Sau 30 năm, số trường công lập tăng 29 trường, số trường ngoài công lập tăng 10 trường, số nhà nhóm trẻ tư thục tăng 91 lớp. Toàn huyện hiện có 42/46 trường học đạt chuẩn quốc gia (đạt 91,3%), cơ bản đáp ứng được định hướng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.