"Kéo gần" Đà Nẵng - Lý Sơn
Đúng 8 giờ ngày 9-4, tuyến tàu cao tốc bằng đường biển đầu tiên từ Đà Nẵng đi Lý Sơn khởi hành chở hơn 350 hành khách. Dù không phải lần đầu đến Lý Sơn, ông Lê Quang Thụ (du khách đến từ Hà Nội) cho biết, chuyến đi này ông khá hồi hộp bởi lần đầu đến đảo bằng tàu cao tốc.
“Giờ đây mọi người có thể thoải mái chọn lựa phương thức để đi du lịch tuyến Đà Nẵng - Lý Sơn hoặc ngược lại. Trước đây, gia đình phải đi ô tô đến cảng Sa Kỳ (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) rồi mới bắt chuyến tàu để lên đảo. Giờ đây thì đã có tuyến đi thẳng, sẽ có nhiều thời gian trải nghiệm du lịch ở ngoài biển khơi”, ông Thụ nói.
Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhìn nhận, tuyến đường thủy Đà Nẵng - Lý Sơn đi vào hoạt động giúp người dân và du khách đi lại thuận tiện, nhanh chóng, an toàn. Đây cũng là sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách, nhất là khách quốc tế đã và đang đến Đà Nẵng ngày một nhiều. Chuyến tàu cao tốc biển đầu tiên này là sự kiện quan trọng, mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch không chỉ cho đảo Lý Sơn mà cả của tỉnh Quảng Ngãi và TP Đà Nẵng. Đây là một bước tiến trong việc tăng cường liên kết, phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên nói chung.
Còn ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian qua, du lịch Quảng Ngãi phụ thuộc nhiều vào Cảng hàng không Chu Lai. Bởi vậy, việc mở tuyến đường biển chở khách du lịch từ Đà Nẵng đến Lý Sơn không chỉ mang theo “sứ mệnh” kết nối du lịch giữa 2 địa phương mà còn giảm áp lực cho Cảng hàng không đồng thời mở ra một hướng đi mới cho du lịch Lý Sơn, góp phần tiêu thụ sản phẩm của người dân địa phương.
Tuy nhiên, cần nhiều thời gian để hoàn thiện bởi hiện vẫn còn không ít những khó khăn như thiếu điểm dừng chân, sản phẩm phục vụ khách hạn chế hay hạng mục dịch vụ phụ trợ cần bổ sung,….
“Liên minh” đưa khách đến địa phương
Các tỉnh miền Trung có tiềm năng du lịch lớn, thích hợp để phát triển du lịch biển, sinh thái rừng, mạo hiểm, du lịch hội nghị, hội thảo, nghỉ dưỡng, văn hóa và các loại hình du lịch khác. Với những chương trình đặc biệt như “Con đường di sản miền Trung”, du khách sẽ có dịp đi qua các tỉnh, thành trong khu vực để cảm nhận những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú và những di sản văn hóa lịch sử quý giá như Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, khu Di tích Mỹ Sơn, hang động kỳ bí Phong Nha - Kẻ Bàng... Nhưng ngoài những điểm đến khác nhau thì yếu tố địa lý, nhất là đặc trưng văn hóa vùng miền, món ăn... có nhiều điểm tương đồng chính là lý do chính yếu để các địa phương này có những chương trình hợp tác, liên kết với nhau.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours nhìn nhận, ngành du lịch TP Đà Nẵng cũng như tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam lân cận rất quyết tâm trong việc kích cầu, thu hút khách để khởi động lại các hoạt động du lịch. Các sản phẩm truyền thống như “Hành trình di sản”, “Con đường di sản miền Trung” đã được doanh nghiệp nâng cấp với chất lượng dịch vụ cao cấp hơn, tăng sự trải nghiệm, tiện ích cho khách với giá phải chăng. Nhờ vậy đến nay, lượng khách đặt tour về Đà Nẵng và miền Trung trong những dịp lễ, Tết trở nên bứt phá.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, hình thức đi du lịch của khách cũng đã có nhiều thay đổi, khách chủ yếu đặt các dịch vụ nhỏ lẻ từng phần nhiều hơn và gần ngày đi mới đặt để tránh được các rủi ro... Điển hình, năm 2020, 2021 là năm có rất nhiều khó khăn đối với ngành du lịch nói chung, đồng thời cũng để lại những bài học kinh nghiệm quý giá cho những người làm du lịch. Vì thế, các đơn vị lữ hành cũng nghiên cứu tâm lý khách hàng, kết hợp với điểm đến để tung ra các sản phẩm phù hợp với xu hướng của khách.
Theo ông Nguyễn Viết Trãi, Trưởng nhóm bán của chương trình kích cầu du lịch Đà Nẵng năm 2022, các chương trình liên kết, kích cầu khi tổ chức phải đảm bảo 2 yếu tố, gồm: sự đa dạng về sản phẩm, ưu đãi hấp dẫn về mức giá. Trên cơ sở đó, địa phương phối hợp với công ty lữ hành, hãng hàng không để đưa ra những sản phẩm tối ưu, hợp lý nhất dành cho du khách với phương châm “giảm giá nhưng không giảm chất lượng”. Khác với mọi năm, combo kích cầu 2022 không chỉ nhắm vào du khách các tỉnh thành như Hà Nội, TPHCM… mà còn tập trung du khách Đà Nẵng nói riêng, miền Trung nói chung. Các đơn vị dịch vụ lữ hành sẽ đa dạng các gói combo vào từng thị trường khách tạo nên nét riêng, đa dạng và tươi mới hơn.
“Chúng tôi liên kết với nhau tập trung xây dựng các gói sản phẩm chủ yếu cho khách trải nghiệm các dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí bởi sau đại dịch, du khách có nhu cầu được chăm sóc sức khỏe, giảm căng thẳng những ngày căng mình với dịch bệnh”, ông Trãi nói.
Trong năm 2021, khi Đà Nẵng là chủ trì liên kết 3 địa phương, địa phương đã có đề xuất mở rộng thêm với tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị; đồng thời thúc đẩy liên kết với 2 đầu đất nước như Hà Nội, TPHCM từ công tác quản lý nhà nước, xúc tiến quảng bá, tổ chức các đoàn famtrip, đào tạo nguồn nhân lực…
Ðối với khách quốc tế, các địa phương trong vùng tiếp tục hợp tác chặt chẽ để quảng bá hình ảnh điểm đến chung cho cả khu vực. Đồng thời, cung cấp các ấn phẩm, tài liệu cho khách qua các kênh như: cơ quan đại diện ngoại giao, hàng không và các doanh nghiệp du lịch, tổ chức những đoàn khảo sát cho báo chí, KOL,… trong và ngoài nước để tuyên truyền trên mạng và các phương tiện thông tin đại chúng.
“Với chương trình Năm du lịch quốc gia 2022 tại Quảng Nam, TP Đà Nẵng đã phối hợp để đẩy mạnh việc xúc tiến quảng bá. Bởi khi du khách đến Quảng Nam du lịch cũng sẽ ghé thăm TP Đà Nẵng để cùng trải nghiệm dịch vụ tại đây”, ông Bình nói.