Nhập cuộc mạnh mẽ
Theo đạo diễn Việt Tú, trên thực tế, để đạt được điều này, Việt Nam cần một chiến lược bài bản với quyết tâm chính trị cao nhất, cộng với sự kiên trì để có thể nhìn thấy những chuyển biến vượt bậc trong 10-20 năm tới.
Điểm mấu chốt trong triển khai công nghiệp văn hóa được nhiều chuyên gia, người hoạt động trong ngành nhấn mạnh, là không thể chỉ trông đợi vào nhà nước, hay bám lấy kinh phí của ngân sách. Nhà nước hoạch định chính sách, chiến lược phát triển…, nhưng triển khai phải do tư nhân, có như vậy mới hiệu quả và bền vững.
“Để có sự hỗ trợ kịp thời của hai khối công tư, trước hết cần thành lập tổ cố vấn là các chuyên gia có kinh nghiệm thực tế, tác phẩm thành công được minh chứng bằng những con số cụ thể. Họ sẽ đồng hành với Chính phủ trong việc hình thành các chính sách, chiến lược để phát triển”, đạo diễn Việt Tú hiến kế.
Theo TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL), ngoài việc có sự điều phối thống nhất các sáng kiến và hành động giữa các bộ, ngành khác nhau vì mục tiêu chung, lý tưởng nhất là hình thành một cơ quan chỉ đạo liên ngành để huy động tối đa các nguồn lực, nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. “Nhà nước cần tạo môi trường thuận lợi, hệ sinh thái để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Các doanh nghiệp sáng tạo được tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính phù hợp và khu vực tài chính nhận thức được cơ hội lợi nhuận khi đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa”, TS Phương Hòa nêu ý kiến.
Dẫn chứng thực tế từ lĩnh vực điện ảnh tại TPHCM sẽ thấy hiệu quả nổi bật từ mô hình xã hội hóa cách đây hơn 20 năm. Tuy nhiên, để đạt đến sự bền vững, ổn định của thị trường, vai trò định hướng, điều tiết của nhà nước trong bất kỳ trường hợp nào cũng rất cần thiết. Quan trọng không kém là nhận thức về sẻ chia trách nhiệm trong phát triển công nghiệp văn hóa phải đến từ cả hai phía và phải được hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể.
Khi đã đạt trình độ cao về nhận thức và hoàn thiện về chính sách chính là thời điểm quan trọng để hiện thực hóa từng mục tiêu, trong cả ngắn, trung và dài hạn. Việc tạo ra môi trường lý tưởng cho công nghiệp văn hóa phát triển cũng như xây dựng hệ sinh thái, liên kết ngành trở thành điểm mấu chốt. Đặc biệt, theo đạo diễn Quốc Thảo, cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa để có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đó cũng là lý do nhạc sĩ Quốc Trung đề xuất cần thiết lập các quỹ văn hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới để tạo cầu nối đem âm nhạc và nghệ sĩ của Việt Nam ra nước ngoài học hỏi, giao lưu, cọ xát, cũng như giới thiệu văn hóa Việt Nam tới cộng đồng quốc tế.
Hầu hết các đơn vị tư nhân đang hoạt động, kinh doanh trong các lĩnh vực của công nghiệp văn hóa đều đề xuất có các cơ chế chính sách cụ thể, minh bạch và quan trọng là cần nhanh, gọn để sớm được hiện thực hóa trong thực tiễn. Nhạc sĩ Quốc Trung nêu đề xuất: “Nên giản lược các thủ tục pháp lý còn chồng chéo và vướng mắc nhằm tạo tiền đề thuận lợi cho các nhà sản xuất có cơ hội được xây dựng và tổ chức các chương trình biểu diễn sáng tạo, chất lượng, giới thiệu tới công chúng”.
PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, lấy ví dụ lễ hội âm nhạc Gió mùa từng gặp khó khi xin cấp phép và chỉ được cấp phép sát ngày diễn.“Nếu cứ để bị chậm hoặc lỡ nhịp, ảnh hưởng đến kế hoạch, sẽ khiến những nhà sản xuất, những đơn vị tổ chức nản lòng”, PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh.
Trông người, sửa mình
Lâu nay, trong nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về phát triển công nghiệp văn hóa, bài học thành công của Hàn Quốc luôn được đưa ra làm dẫn chứng, kinh nghiệm cho Việt Nam. “Chính sự đầu tư bài bản của các doanh nghiệp, có lộ trình đặt ra do Chính phủ “bật đèn xanh”, cộng với sự sáng tạo và chuyên nghiệp của đội ngũ nghệ sĩ, họ đã làm nên kỳ tích”, đạo diễn Quốc Thảo phân tích. Do đó, theo đạo diễn Việt Tú, rất cần tuyển dụng nhân tài, cử nhân sự đi học quốc tế tại những quốc gia có nền công nghiệp văn hóa thành công và phù hợp với mô hình phát triển của Việt Nam để giải quyết các vấn đề về trung và dài hạn.
Liên quan đến vấn đề này, từ năm 2016, Chính phủ đã có Quyết định số 1437/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030” nhằm bổ sung và phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên, chuyên gia, văn nghệ sĩ, nguồn nhân lực chất lượng cao, nòng cốt cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn văn hóa nghệ thuật của đất nước.
Đề án phấn đấu đến năm 2030, lựa chọn và cử đi đào tạo ở nước ngoài 930 người thuộc các lĩnh vực: âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, múa, xiếc, lý luận và sáng tác văn học. Tuy nhiên, hiện chỉ có 3 đợt tuyển sinh trong các năm 2018, 2020, 2023 với 56 trường hợp đã trúng tuyển. Tại phiên chất vấn trước Quốc hội ngày 5-6, khi trả lời câu hỏi của đại biểu Trình Lam Sinh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nêu ra một số nguyên nhân của việc chậm trễ: đối tượng trong đề án khá rộng nhưng đầu vào tuyển sinh lại khó khăn; các em học chương trình nghệ thuật thường tập trung học chuyên môn, ít được đào tạo về ngoại ngữ nên không đáp ứng yêu cầu; quá trình đào tạo phụ thuộc vào các quốc gia tiếp nhận nên nhiều khi hồ sơ ứng viên phải làm đi làm lại rất nhiều lần để đáp ứng yêu cầu… Chính vì vậy, dù còn 6 năm để thực hiện đề án nhưng con số 930 người được cử đi đào tạo được xem là khó hoàn thành.
Dẫn chứng kinh nghiệm tại Trung Quốc, theo TS Nguyễn Phương Hòa, họ đã thiết lập và hoàn thiện một hệ thống các quỹ đặc biệt từ nguồn ngân sách quốc gia: Quỹ đặc biệt xây dựng và tổ chức các chương trình nghệ thuật tiêu biểu; Quỹ đặc biệt phát triển phim quốc gia; Quỹ đặc biệt quảng bá, giới thiệu hình ảnh… và có quy định mức phí thu cụ thể.
“Quỹ đầu tư dành cho công nghiệp văn hóa của chính phủ và doanh nghiệp đều có ưu thế riêng và cần được kết hợp có hiệu quả giúp công nghiệp văn hóa phục hồi và phát triển. Quỹ đầu tư của chính phủ có những quy định hạn chế được mức độ rủi ro. Quỹ đầu tư công nghiệp văn hóa của doanh nghiệp góp phần hoàn thiện thể chế vận động của nền kinh tế thị trường, quản lý linh hoạt. Sử dụng và phát huy ưu thế của hai loại quỹ này sẽ hỗ trợ hiệu quả cho công nghiệp văn hóa phát triển hài hòa giữa lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội”, bà Phương Hòa nêu ý kiến.
Từ bài học của các nước, câu chuyện xây dựng thương hiệu quốc gia rõ ràng đặt ra rất bức thiết. Có thể thấy chính phủ các nước đều tiến hành các biện pháp, chính sách ở các cấp độ khác nhau để hỗ trợ sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa.
PGS-TS BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV:
Ở bất kỳ lĩnh vực nào, kể cả kinh tế, y tế, giáo dục, giao thông, khoa học - công nghệ..., khi được điều tiết bởi văn hóa, thông qua hệ giá trị đạo đức, sẽ hướng đến con người nhiều hơn, trở nên bền vững hơn. Không những thế, trong giai đoạn hiện nay, khi các quốc gia tập trung nhiều hơn để xây dựng sức mạnh mềm, văn hóa có tác dụng tích cực trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế của đất nước.
Đạo diễn HOÀNG NHẬT NAM, Tổng Giám đốc Sen Vàng Entertainment:
Phát triển công nghiệp văn hóa cần được gắn kết giữa lợi ích kinh tế và văn hóa. Để chuyển hóa nguồn “tài nguyên mềm” văn hóa thành những sản phẩm trên thị trường, cần hiện đại hóa cơ chế đầu tư tài chính trong công nghiệp văn hóa. Chú trọng phát triển nhân tài cũng là giải pháp quan trọng. Bên cạnh việc tiến tới hoàn thiện thể chế, chính sách, tháo gỡ kịp thời các nút thắt, Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp văn hóa. Mặt khác, các ngành văn hóa có tiềm năng, lợi thế như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch văn hóa… cần chú trọng, từng bước nâng cao.