Sửa từ nhận thức
Theo PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, công nghiệp văn hóa trước tiên phải phục vụ cho chính nhu cầu trong nước, nhưng cũng không thể quên hướng ra thị trường bên ngoài như cách Hàn Quốc, Nhật Bản... đã làm.
Ông thẳng thắn: “Vấn đề là chúng ta chọn lĩnh vực nào làm mũi nhọn để có những bước đi vừa nhanh vừa chắc. Tất nhiên, vẫn phải đặt ra hết những tiềm năng để đưa vào một lộ trình chung, nhưng lĩnh vực nào xem là mũi nhọn thì ưu tiên trước, còn lại đi từng bước. Song hiện hình như ta vẫn vừa xếp hàng vừa đi”.
Trong các lĩnh vực của công nghiệp văn hóa, điện ảnh được xếp vào ngành mũi nhọn. Luật Điện ảnh được ban hành tháng 6-2022 và có hiệu lực từ tháng 1-2023 cũng xác định điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật vừa là ngành kinh tế. Tuy nhiên, đó là về mặt lý thuyết, thực tế ngay tại TPHCM, nơi được coi là trung tâm điện ảnh của cả nước, vẫn còn nhiều bất cập.
Theo bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, điều cốt lõi là phải làm cho các cấp, các ngành hiểu phát triển công nghiệp văn hóa là có lợi ích đôi, vừa làm đa dạng đời sống tinh thần vừa đem lại lợi nhuận. “Với điện ảnh, tất cả cơ sở vật chất và phim làm ra đều là những nguồn thu rất lớn”, bà Dương Cẩm Thúy đồng thời cho biết, sự phát triển của điện ảnh thành phố chủ yếu là tự phát. Nói thành phố là trung tâm điện ảnh của cả nước là do thực tế diễn ra và mặc nhiên được coi là như vậy, chứ bản thân thành phố chưa có những chiến lược, kế hoạch để phát triển điện ảnh như bản chất của nó.
Cuối tháng 5, trong báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, 16 năm triển khai Nghị quyết 23-NQ/TW và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ trên địa bàn TPHCM, bên cạnh nhiều thành tựu cũng thẳng thắn chỉ ra, ý thức, nhận thức của xã hội và ngay trong đội ngũ cán bộ làm văn hóa đôi lúc còn xem nhẹ, chậm đổi mới, chưa thấy vai trò văn hóa tương xứng với sự phát triển kinh tế - chính trị.
Theo đạo diễn Việt Tú, chủ trương, chính sách về công nghiệp văn hóa đang trở nên rõ ràng và thực tế hơn bao giờ hết. Đồng thời, tầm quan trọng của văn hóa đang được trả về đúng vị trí vốn có... Tuy nhiên, để biến cơ hội thành thế mạnh, nên nhìn nhận thực tế Việt Nam đang rất thiếu các sản phẩm của công nghiệp văn hóa.
“Nhiều nơi cứ ngỡ rằng, tổ chức lễ hội là làm công nghiệp văn hóa. Song thực tế không đúng như vậy. Tới thời điểm này, có lẽ chỉ duy nhất lễ hội pháo hoa Đà Nẵng mới có thể coi là sản phẩm đúng nghĩa của công nghiệp văn hóa. Bởi họ có thể tính toán, đo lường được việc đón bao nhiêu khách trong nước và quốc tế đến với Đà Nẵng… Nếu chúng ta cứ làm mà không thể đo lường được hiệu quả, sức ảnh hưởng của mỗi sản phẩm thì khó có thể coi đó là sản phẩm công nghiệp”, anh phân tích.
Việc nhận thức chưa đúng, hiểu chưa sâu và toàn diện về công nghiệp văn hóa còn tồn tại ở nhiều lĩnh vực, địa phương. Có thể xem đây là lực cản lớn trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh những vấn đề về cơ chế chính sách, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng… Lỗ hổng này tạo ra hệ quả phát triển công nghiệp văn hóa theo chủ nghĩa hình thức, hô hào hoặc thậm chí sao chép, học lỏm nhau.
Điển hình như ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, không phải đơn vị tổ chức show diễn cho nghệ sĩ quốc tế nào cũng có nhận thức đúng đắn và có năng lực tổ chức chuyên nghiệp, bài bản. Đêm nhạc K-Pop Open Air #2 bị hủy ngay giờ chót vào thời điểm cuối năm 2023, hay đêm diễn của nhóm nhạc Westlife thuộc khuôn khổ The Wild Dreams Tour tại Sân vận động Thống Nhất (TPHCM) cuối năm 2023 đã nhận không ít chỉ trích về công tác tổ chức.
Trong câu chuyện về nhận thức, một yếu tố quan trọng là làm thế nào để nhận diện, đánh giá và phát huy hết tiềm năng, thế mạnh hiện hữu. Điều này đòi hỏi việc đánh giá từng ngành, từng lĩnh vực vừa mang tính vĩ mô, vừa đi vào tiểu tiết, dám nhìn thẳng vào thực tế.
Nói về những rào cản ảnh hưởng tới sự phát triển của phim hoạt hình tại Việt Nam, ông Tạ Mạnh Hoàng, Chủ tịch Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam, lưu ý: “Việt Nam chưa có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất phim hoạt hình cũng như đưa sản phẩm ra quốc tế. Việc truyền thông hay tổ chức sự kiện giới thiệu về năng lực của các doanh nghiệp cũng hạn chế…”. Câu chuyện tự phát, thiếu đồng bộ ở lĩnh vực điện ảnh cũng là thực trạng chung ở nhiều ngành khác.
Đồng loạt và linh hoạt
Một trong những thay đổi tích cực nhất trong nhận thức về công nghiệp văn hóa là việc thừa nhận có thị trường văn hóa phẩm và công nhận sản phẩm văn hóa như là một loại hàng hóa được lưu thông trên thị trường, từ đó có những cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho thị trường phát triển. Trong đó, khẳng định sự gắn kết, mối liên hệ mật thiết giữa văn hóa và kinh tế. Đây cũng là bước đột phá quan trọng tháo gỡ tư duy mang tính định kiến “văn hóa chỉ là ngành tiêu tiền”. Nhưng nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa phải là một quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển.
Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa của TPHCM đến năm 2030 xác định: “Để xây dựng và phát triển thị trường dịch vụ văn hóa của Việt Nam, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp của thành phố trong quá trình tham gia và phát triển thị trường quốc tế, thành phố cần tăng cường nhận thức của toàn xã hội về công nghiệp văn hóa. Nó như một lĩnh vực có tầm quan trọng sống còn cho phát triển, sự độc đáo và năng lực cạnh tranh quốc tế của thành phố, tạo ra các thị trường hàng hóa, dịch vụ văn hóa và truyền cảm hứng cho các thế hệ theo đuổi nghề nghiệp về văn hóa.
Mặt khác, thành phố cần có chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra thương hiệu quốc gia về văn hóa, hay xây dựng một loạt các thương hiệu để quảng bá cho ngành công nghiệp văn hóa thành phố trên toàn quốc và trên thế giới. Bên cạnh đó, thành phố cần có các giải pháp để kết nối các hoạt động xây dựng thị trường trong các lĩnh vực khác nhau để gia tăng hình ảnh và phát triển thị trường cho các hoạt động về công nghiệp văn hóa.
Bà Dương Cẩm Thúy cũng chỉ ra, không chỉ TPHCM mà trên cả nước cũng chưa nơi nào hình thành công nghiệp văn hóa. Thực tế cũng đã có các định nghĩa về công nghiệp văn hóa, nhưng vẫn thiếu, nhất là liên quan đến nội dung công nghiệp văn hóa. Công nghiệp hóa có nghĩa là mọi thứ răm rắp như máy, bấm nút là chạy. Điều này đòi hỏi phải có một hệ thống chuyên nghiệp hóa và hoạt động liên tục.
Tuân theo quy luật cung cầu hàng hóa của cơ chế thị trường và tiến đến sự chuyên nghiệp, đồng bộ là điểm mấu chốt khi bước vào guồng máy phát triển công nghiệp văn hóa. Bởi bản chất của ngành công nghiệp là sản xuất hàng loạt dựa theo quy trình chặt chẽ, tạo ra số lượng sản phẩm lớn có giá trị gia tăng kinh tế cao, phục vụ một lượng lớn khách hàng. Tại thời điểm này, các lĩnh vực công nghiệp văn hóa Việt Nam có điểm yếu lớn là chưa đủ sức tạo nên thương hiệu quốc gia và còn thiếu sức cạnh tranh trong khu vực.
Đạo diễn Quốc Thảo trong tham luận gửi đến tọa đàm Giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, đã thẳng thắn đề cập, việc các sản phẩm văn hóa của ta còn đơn điệu, thiếu sức sáng tạo và tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Anh dẫn chứng, lĩnh vực sân khấu ở TPHCM hiện vẫn dùng những kỹ thuật mà thế giới đã bỏ cách đây 10-20 năm. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất - kinh doanh văn hóa, trong đó có vở diễn sân khấu, chưa chuyên nghiệp, thiếu vắng các doanh nghiệp văn hóa lớn, mạnh, có nguồn lực tài chính và nhân lực dồi dào.
Cũng theo nhạc sĩ Quốc Trung, việc thiếu tầm nhìn và chiến lược dài hạn dẫn đến những khó khăn trong việc xây dựng các dự án nghệ thuật đỉnh cao có tính bền vững. Thực trạng ngành công nghiệp âm nhạc nước ta hiện nay là nền công nghiệp âm nhạc nhãn hàng. Tức là mới chỉ đáp ứng các nhu cầu phục vụ nhãn hàng, chứ chưa phải đáp ứng kỳ vọng và mong muốn của công chúng cũng như những người làm nghề.
“Nhận thức của các nghệ sĩ và cơ quan quản lý về tính chuyên nghiệp trong nền công nghiệp âm nhạc còn thấp, dẫn tới thiếu sự đồng hành và đồng cảm với những nhà sản xuất và nghệ sĩ… Cần có sự chia sẻ trách nhiệm và cả lợi ích tương lai để cùng nhau phát triển”, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung nhận định.