Trên mạng không thiếu những lời hay ý đẹp, những câu chuyện truyền cảm hứng nhưng đồng thời cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi thông tin xúc phạm nhau (như vụ Facebook Vo Quoc đăng thông tin xúc phạm báo chí mới đây), thông tin sai sự thật, thông tin lừa đảo…
Có thể nói, không gian đô thị có độ nén dân số cao luôn là môi trường rất nhạy cảm cho tin giả, tin sai sự thật lan truyền. Với hệ thống các cơ quan báo chí Trung ương và TPHCM hoạt động sôi nổi trên địa bàn, cùng khoảng 22 triệu tài khoản mạng xã hội, không gian đô thị TPHCM là mảnh đất có nhiều thông tin đặc sắc, đa dạng cho truyền thông. Và dĩ nhiên, nơi đây cũng là địa bàn mà không ít tin giả, tin sai sự thật luôn tìm cách xuất hiện. Để chấn chỉnh, các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực chống tin giả, tin sai sự thật, thậm chí xử lý nhiều trường hợp cụ thể.
Theo báo cáo của Kepios, tính đến tháng 2-2023, Việt Nam có tới 77,93 triệu người dùng internet, trong đó có khoảng 70 triệu người dùng mạng xã hội. Không gian mạng phản ánh nhiều cung bậc của không gian đô thị nhưng điều đáng lo vẫn là sự bất đối xứng giữa kiến thức pháp lý còn hạn chế và sự phát triển quá nhanh chóng của cộng đồng mạng.
Lấy ví dụ như vụ án liên quan đến những người nổi tiếng (KOLs) vừa được đưa ra xét xử gần đây có chi tiết cần lưu ý là tầm ảnh hưởng nhất định của chu trình nhóm với cộng đồng. Thành viên của một nhóm có xu hướng gắn kết với người trong nhóm và thường không chấp nhận những người khác nhóm. Từ đó mới nảy sinh ra các antifan (nhóm tẩy chay). Nếu ai cũng hiểu được quy trình vận động của một nhóm, cách người ta đến với nhau, kết nối, tuân thủ quy định thì những câu chuyện đấu khẩu, thậm chí nhục mạ đã khó xảy ra. Những mâu thuẫn như vậy, được không gian mạng phóng đại lên đã mang đến những góc nhìn phiến diện, những xúc cảm che mờ lý trí. Thông tin sai sự thật, thông tin thiếu kiểm chứng cũng từ đấy phát sinh. Một ví dụ khác liên quan đến câu chuyện truyền thông chính sách. Khi TPHCM triển khai việc sắp xếp khu phố, ấp theo quy định, đã xuất hiện rất nhiều thông tin sai lệch, thậm chí xuyên tạc.
Hai ví dụ nêu trên cho thấy, chiến lược truyền thông của TPHCM đã làm tốt vẫn rất cần tiếp tục đổi mới. Tính tương thích của thông điệp truyền thông mới với bối cảnh và kỳ vọng mới nơi công chúng sẽ thu hẹp khoảng cách hoặc sự đứt gãy thông tin cần thiết. Làm tốt được việc này, đã góp phần giúp loại trừ những thông tin sai sự thật như đã nói.
Không gian mạng là công cụ giúp con người gần nhau hơn, mang đến những lợi ích to lớn. Tuy nhiên, chúng ta cần sử dụng nó một cách đúng đắn, tự kiểm duyệt để hành xử có trách nhiệm, chung tay xây dựng một không gian mạng lành mạnh. Đồng thời, để ứng xử phù hợp, việc người dùng nâng cao hiểu biết ngay từ các cấp học là điều quan trọng, như việc đưa môn học Thông hiểu truyền thông (Media Literacy) vào chương trình chính khóa trong nhà trường. Điều này giúp học sinh, sinh viên tốt nghiệp có thêm những kiến thức mới về truyền thông để ứng xử phù hợp, có trách nhiệm hơn trên mạng.
Bên cạnh đó, việc hoạch định truyền thông về các chính sách cần được thực hiện một cách quyết liệt hơn nữa. Các cơ quan chức năng đẩy mạnh hơn biện pháp xử lý tin giả, tin sai sự thật, đồng thời thông qua báo chí phổ biến, khuyến khích hình thành những lớp khán giả, độc giả, người sản xuất nội dung, người tiêu dùng thông tin có trách nhiệm.
Việc thực hiện nghiêm Quy định 85 của Ban Bí thư về việc cán bộ đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội ở các cơ quan, tổ chức cũng là bước đi quan trọng trong việc hình thành những cộng đồng mạng có trách nhiệm, có vai trò dẫn dắt. Cùng với việc thực hiện các quy định mới về định danh điện tử, địa phương hóa dữ liệu, quản lý các hoạt động biểu diễn và quy định về truyền phát trực tiếp trên mạng đang được xây dựng, tổng thể các giải pháp ấy được kỳ vọng sẽ mang lại một không gian mạng an toàn, lành mạnh hơn.