Các đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động TPHCM cùng chủ trì hội nghị.
Nhiều hình thức bảo vệ lợi ích người lao động
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Trần Kim Yến cho biết Liên đoàn Lao động TPHCM hiện đang quản lý 16.520 công đoàn cơ sở (CĐCS) trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước với 1.025.912 đoàn viên, trong đó có 273 CĐCS tại các doanh nghiệp có từ 500 lao động trở lên. Tại các khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN) có 806 CĐCS với 243.431 đoàn viên, trong đó có 98 CĐCS có trên 500 lao động với 177.984 đoàn viên. Lao động từ các tỉnh khác đến làm việc tại doanh nghiệp trong các KCX- KCN TP là 158.230, chiếm 65% lao động.
Thực hiện chức năng “đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động”, Ban chấp hành các CĐCS đã nắm tâm tư, nguyện vọng của công nhân, chủ động xây dựng, thảo luận và lấy ý kiến trong các tổ công đoàn, tổ chức thương lượng với người sử dụng lao động để ký kết thỏa ước lao động tập thể, phấn đấu xây dựng các điều khoản quy định có lợi hơn cho người lao động so với luật định.
Việc giám sát của CĐCS được thực hiện thông qua kết quả hoạt động của doanh nghiệp và tình hình trả lương, trả thưởng cho công nhân, viên chức – lao động. Khi phát hiện những nội dung chưa phù hợp, Ban chấp hành CĐCS đề nghị doanh nghiệp điều chỉnh hoặc báo cáo, phản ánh với công đoàn cấp trên và các cơ quan chức năng.
Công tác chăm lo cho đoàn viên, công nhân lao động được mở rộng, chất lượng ngày càng được nâng lên. Ban chấp hành CĐCS phối hợp với người sử dụng lao động cùng chăm lo Tết Nguyên đán cho công nhân viên chức – lao động bằng nhiều hình thức như tặng vé xe cho công nhân về quê đón Tết, tổ chức các lễ hội đón xuân cùng công nhân, tặng quà hoặc hỗ trợ kinh phí cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo…
Tuy nhiên, hoạt động của CĐCS trong doanh nghiệp có trên 500 lao động tại KCX – KCN vẫn còn tồn tại một số hạn chế.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Trần Kim Yến nhận xét hiệu quả quy chế phối hợp giữa Ban chấp hành CĐCS với lãnh đạo doanh nghiệp chưa cao. Do đó, kết quả tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại định kỳ và đặc biệt là chất lượng đối thoại chưa đạt yêu cầu.
Ngoài ra, tuy số lượng doanh nghiệp có tổ chức công đoàn có thỏa ước lao động tập thể đạt 65,8%, nhưng tỷ lệ thỏa ước lao động tập thể có các điều khoản cao hơn luật chưa cao. Các vấn đề cốt yếu như tiền lương, thưởng, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, bữa ăn giữa ca chỉ được xây dựng với những điều khoản dễ dàng điều chỉnh theo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp hoặc chỉ nêu chung chung. Công tác nắm bắt dư luận có lúc, có nơi chưa kịp thời. Việc phối hợp với người sử dụng lao động giải quyết các kiến nghị, bức xúc của công nhân chưa đạt hiệu quả dẫn đến tình trạng lãn công, tranh chấp lao động tập thể vẫn còn xảy ra. Phong trào thi đua “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “ôn lý thuyết, luyện tay nghề” chưa đến được với từng đoàn viên, tỷ lệ công nhân được nâng bậc thợ, bậc lương chưa nhiều.
Trao đổi về giải pháp phối hợp với người sử dụng lao động chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (huyện Bình Chánh) cho rằng CĐCS cần làm tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn nhằm tạo sự lan tỏa tới chủ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Ban chấp hành CĐCS cần chủ động nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của người lao động một cách chặt chẽ mới có thể cơ sở xây dựng và trao đổi với người sử dụng lao động để có các hình thức chăm lo người lao động một cách cụ thể, thiết thực.
Tăng cường phổ biến pháp luật lao động
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM Trần Ngọc Sơn cho biết, những năm qua, sở đã phối hợp với Liên đoàn Lao động TPHCM kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động tại các doanh nghiệp. Qua đó, xử lý các hành vi xâm phạm lợi ích chính đáng của người lao động, giám sát việc thực hiện các cam kết của chủ doanh nghiệp với người lao động.
Mặc dù đạt được kết quả khả quan như trên nhưng tình hình doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm các quy định về chính sách lao động, các chế độ về bảo hiểm xã hội, tiền lương… có xu hướng tăng.
Nhằm phát triển quan hệ lao động tại TP, trong thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM tiếp tục phối hợp với Liên đoàn Lao động TPHCM tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động để giúp chủ doanh nghiệp nhận thấy tầm quan trọng của việc ký kết thỏa ước lao động tập thể, đối thoại tại nơi làm việc, đảm bảo tiền lương và các chế độ, chính sách đối với người lao động.
Ông Nguyễn Anh Phong, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam cũng kiến nghị công đoàn cấp trên tăng cường hơn công tác tuyên truyền pháp luật có liên quan nhằm nâng cao kiến thức hiểu biết, bản lĩnh cho công nhân lao động tại doanh nghiệp, để họ có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích, chính đáng của họ. Chẳng hạn như tuyên truyền qua tài liệu, trực tiếp đến các nhà trọ, nhà lưu trú công nhân nói chuyện về bảo hiểm xã hội, chế độ nghỉ hưu, chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp, ốm đau…
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 12 Lý Minh Trúc kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường phối hợp, thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình doanh nghiệp và phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp có biểu hiện vi phạm pháp luật lao động; nâng các quy định, biện pháp chế tài đủ sức răn đe đối với những doanh nghiệp chưa chấp hành. Đồng thời, đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng trung ương sớm ban hành cơ chế quy định để tổ chức công đoàn đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện doanh nghiệp ra tòa về nợ BHXH.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Võ Thị Dung nhấn mạnh những giải pháp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị TP cùng tổ chức công đoàn khắc phục hạn chế, phát huy vai trò công đoàn trong việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động; xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp giữa quận ủy, huyện ủy và Đảng ủy các KCX – KCN TP trong công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, đảm bảo tình hình an ninh trật tự và xây dựng lực lượng chính trị trong doanh nghiệp tại các KCX, KCN.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung cũng yêu cầu Đảng đoàn Liên đoàn Lao động TPHCM chỉ đạo Liên đoàn Lao động TPHCM tiếp tục tăng cường nâng cao hiệu quả công tác xây dựng CĐCS vững mạnh trong doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất có sử dụng công nhân, người lao động; đồng thời chủ động nắm tình hình dư luận trong công nhân, người lao động, kịp thời báo cáo Thường trực Thành ủy, Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động TPHCM để giải quyết, ngăn ngừa những tình huống phức tạp phát sinh trên địa bàn TP.
Để hoạt động công đoàn nói chung, công tác chăm lo đời sống cho người lao động nói riêng ngày càng tốt hơn, ông Nguyễn Văn Hùng (Chủ tịch CĐCS Công ty cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng) kiến nghị các cấp công đoàn cần quan tâm nhiều hơn đến công tác cán bộ công đoàn cơ sở, bởi đây là gốc của mọi hoạt động, là “đầu tàu” kéo toàn bộ hoạt động của công đoàn.