Những điểm sáng
Tại chương trình tọa đàm chủ đề “Vai trò của văn học nghệ thuật trong xây dựng con người TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình” do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) TPHCM tổ chức mới đây, đạo diễn Thanh Hiệp, Trưởng Ban Lý luận phê bình - Hội Sân khấu TPHCM, cho rằng, trong lĩnh vực sân khấu, ngày càng có nhiều tác phẩm mang ý nghĩa tích cực trong việc góp phần xây dựng con người TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Có thể kể đến các vở: Thành phố tình yêu (Nhà hát kịch TPHCM), Rặng trâm bầu, Khát vọng ngày mai (Sân khấu Trịnh Kim Chi), Câu hò đất mẹ, Thành phố buổi bình minh (Nhà hát Trần Hữu Trang)…
Bùi Thanh Truyền, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình - Hội Nhà văn TPHCM, lại nhìn thấy điểm sáng từ văn học thiếu nhi của thành phố. “Những cuộc tọa đàm về văn học thiếu nhi, những buổi ra mắt sách rộn ràng ở các đường sách, những cuộc giao lưu bổ ích ở các trường phổ thông nhiều quận, huyện… khẳng định sự quan tâm, chung sức của cộng đồng trong nỗ lực hình thành thói quen đọc sách cho tuổi thơ, chuẩn bị hành trang để các em vào tương lai”, PGS-TS Bùi Thanh Truyền cho biết. Đặc biệt, hướng đến đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2025), Hội Nhà văn TPHCM đã xuất bản tuyển tập thơ thiếu nhi Sài Gòn của em với sự góp mặt của 50 tác giả. “Các vần thơ xinh xắn, bình dị, trong veo như lời con trẻ đã làm được một việc thật đẹp đẽ, thật ý nghĩa cho cuộc sống hôm nay: kết nối thế hệ, lưu giữ, hòa đồng ký ức của người lớn và trẻ em, để hiện tại, quá khứ và tương lai xanh thắm mãi”, PGS-TS Bùi Thanh Truyền tiết lộ.
Với điện ảnh, đại diện Hội Điện ảnh TPHCM cho rằng, điện ảnh thành phố đang giữ vai trò kết nối cộng đồng trong không gian văn hóa chung, nơi thể hiện mối quan hệ giữa nhà quản lý, nhà sáng tạo và người thưởng thức, tạo ảnh hưởng đến diện mạo chung của các hoạt động xã hội. Tính đến cuối năm 2023, so với toàn quốc, điện ảnh TPHCM chiếm hơn 40% thị phần, hệ thống rạp chiếu chiếm hơn 30% số lượng người xem cũng như hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh đều đứng đầu cả nước.
“VHNT của TPHCM thời gian qua đã có những đóng góp tích cực, hữu ích nhưng vẫn còn đó nhiều hạn chế. Cụ thể là việc thiếu vắng những tác phẩm có giá trị cao về nội dung tư tưởng, nghệ thuật thể hiện, có tác dụng động viên mạnh mẽ con người trong lao động sáng tạo. Mặt khác, vẫn tồn tại tình trạng thiếu vắng kịp thời những tác phẩm phản bác các luận điệu xuyên tạc sai trái một cách thuyết phục…”, PGS-TS Trần Luân Kim, Trưởng ban Lý luận phê bình - Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM, nhận xét
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Trong việc xây dựng con người TPHCM thời đại mới, PGS-TS Phan Thị Bích Hà, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với sự thể hiện của các loại hình VHNT ở các cấp độ khác nhau, đã mang lại dấu ấn văn hóa đặc thù, là nơi giao kết niềm tự hào và những cảm xúc đan xen về một vùng đất và con người Sài Gòn - TPHCM với nhiều tiềm năng sáng tạo, có tư duy đổi mới, những con người với tập tính văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, PGS-TS Phan Thị Bích Hà nhận định.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Phan Thị Bích Hà, để đạt được hiệu quả trong việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, cần phải có một quyết sách chiến lược dài lâu trong việc đào tạo nguồn nhân lực, những con người, những mắt xích trong một tổ hợp liên hoàn để triển khai và vận hành chiến lược đào tạo, sử dụng các cán bộ về khoa học kỹ thuật công nghệ và những cán bộ làm về VHNT.
Cùng chung quan điểm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Quốc Dũng (Hội Nhiếp ảnh TPHCM) cho rằng, ngày nay công nghệ giúp ích rất nhiều cho sáng tác như với flycam, nghệ sĩ nhiếp ảnh dễ dàng có những bức ảnh ở những góc máy cao và xa, điều ngày trước rất khó làm. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà hiện nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh lại quên đi những góc chụp cận cảnh, thiếu vắng đi những bức ảnh khắc họa được nụ cười, giọt mồ hôi hay những biểu cảm của con người. “Những năm qua, nhiếp ảnh của chúng ta hình như chưa thể hiện được cuộc sống của hàng triệu người lao động bình thường, hàng triệu người nhập cư vào TPHCM. Họ sống thế nào, vui buồn ra sao?… Theo tôi, VHNT nói chung và nhiếp ảnh nói riêng nên tập trung nhiều hơn vào con người, những chủ nhân của thành phố chúng ta”.