Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, chỉ rõ, đây là nội dung rất khó, hiện chưa làm một cách bài bản, chuyên nghiệp, chưa có quy định rõ ràng. Bên cạnh đó, đây là vấn đề mới, dễ gây bức xúc trong xã hội. Qua công tác giám sát, kiểm tra, qua các vấn đề liên quan đến sai phạm trong công tác cán bộ cho thấy, việc sử dụng quyền lực chưa bài bản, chưa đúng quy định; có những đồng chí được giao quyền lực đã lạm quyền, lộng quyền mà pháp luật chưa có cơ chế kiểm soát.
“Sử dụng không đúng quyền lực, thẩm quyền, lợi dụng quyền lực dẫn đến chạy chức, chạy quyền. Do đó, phải xây dựng cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền”, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Theo Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trần Văn Túy, thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao, Ban Tổ chức Trung ương đã thành lập tổ biên tập, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức chạy quyền trong công tác cán bộ. Đến nay, ngoài việc xây dựng đề án, tổ biên tập đã dự thảo tờ trình và quy định của Bộ Chính trị về nội dung này.
“Việc đánh giá đúng, chính xác thực trạng kiểm soát quyền lực, thực trạng chạy chức, chạy quyền, chống chạy chức chạy quyền, chỉ ra những ưu, khuyết điểm, hạn chế, nguyên nhân; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả, thiết thực, cụ thể để tăng cường kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ bằng việc ban hành quy định của Bộ Chính trị về nội dung này có ý nghĩa quan trọng và là nhiệm vụ hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay”, đồng chí Trần Văn Túy nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, góp ý tập trung vào một số nội dung, như: tình hình, nguyên nhân hạn chế của kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ; bố cục, tên gọi, phạm vi, đối tượng, nguyên tắc của quy định; 8 cơ chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; nhận diện 19 hành vi chạy chức chạy quyền (5 hành vi của “người chạy” và 14 hành vi của “người được chạy” cả hành vi của tập thể và cá nhân); 6 cách thức phát hiện hành vi chạy chức, chạy quyền và việc kiểm tra, kết luận, xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền…