Xây dựng cơ chế khuyến khích chuyển giao công nghệ mới nổi

Tất cả nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên tinh thần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các trình tự, thủ tục của hoạt động chuyển giao công nghệ.

Chiều 17-10, Bộ KH-CN tổ chức họp báo thường kỳ quý 3-2024 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ KH-CN Hoàng Minh. Tại đây, ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH-CN) đã thông tin về việc Bộ KH-CN đang xây dựng cơ chế khuyến khích chuyển giao công nghệ mới.

Anh hop bao Bo KHCN 1.jpg
Quang cảnh cuộc họp báo

Theo ông Linh, các công nghệ ưu tiên, hạn chế và cấm chuyển giao đang được Bộ KH-CN xây dựng tại dự thảo sửa đổi Nghị định 76/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.

Việc khuyến khích chuyển giao công nghệ mới nổi nhằm phù hợp xu thế liên tục phát triển của khoa học công nghệ trong nhiều năm qua. Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ mới được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu triển khai, sản xuất đưa ra thị trường.

Ông Linh cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 76 hướng đến tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên tinh thần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các trình tự, thủ tục của hoạt động chuyển giao công nghệ. Với công nghệ hạn chế chuyển giao, ban soạn thảo đề xuất theo hướng giảm các công nghệ ứng dụng vì mục đích thân thiện môi trường nhưng hiệu suất thấp.

Cụ thể, pin năng lượng mặt trời nhưng hiệu suất dưới 20% mặc dù ứng dụng cho các sản phẩm thân thiện môi trường nhưng sẽ hạn chế chuyển giao. Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 76, Bộ KH-CN đề xuất cấm các công nghệ được cho là cũ, lạc hậu như 1G, 2G và các công nghệ bất hợp pháp như tạo mã độc, virus máy tính.

Hiện, Bộ KH-CN đang xây dựng, sửa đổi bổ sung Nghị định 76 và sẽ sớm trình Chính phủ thời gian tới.

Anh hop bao Bo KHCN 5.jpg
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH-CN) trao đổi tại cuộc họp báo

Bộ KH-CN hiện cũng đang xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính với hoạt động KH-CN. Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ KH-CN) cho biết, cơ quan soạn thảo hướng tới tháo gỡ 3-4 nhóm chính sách về cơ chế tài chính. Dự thảo hướng đến tháo gỡ vướng mắc về sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên cho đầu tư hạ tầng mua sắm, hạ tầng nghiên cứu của các tổ chức viện trường.

Theo đó, Nghị định 95 sửa đổi sẽ điều chỉnh về việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp theo hướng mở rộng hơn, dựa trên nhu cầu của đơn vị đã trích lập quỹ.

Việc sử dụng quỹ không chỉ cho hoạt động R&D mà còn phục vụ đổi mới công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... Điều này được cho sẽ gỡ khó cho việc quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp bị kết dư hàng ngàn tỷ đồng vì không có cơ chế sử dụng.

Anh hop bao Bo KHCN 8.jpg
Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ KH-CN) phát biểu tại cuộc họp báo

Về các tồn tại trong cơ chế tài chính cho hoạt động nghiên cứu khoa học, theo ông Hải sẽ được tháo gỡ khi Bộ KH-CN tham mưu Chính phủ sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ ban hành năm 2013. Theo ông Hải, Nghị định 95 sửa đổi, bổ sung dự kiến sẽ được trình Chính phủ trong tháng 10 này.

Tuy nhiên, sửa đổi Nghị định 95 phải đồng bộ với việc Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn về trình tự thủ tục về lập dự toán, quyết toán kinh phí chi thường xuyên cho hoạt động mua sắm hiện trong quá trình lấy ý kiến các bộ ngành.

Anh hop bao Bo KHCN 7.jpg
Phó Chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng Bộ KH-CN Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại cuộc họp báo

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng Bộ KH-CN cũng thông tin các hoạt động nổi bật trong quý 3 và những công việc trọng điểm triển khai trong quý 4.

Theo đó, từ nay đến hết năm 2024, Bộ KH-CN tập trung hoàn thiện các dự án luật chuyên ngành, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) và hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ các văn bản, đề án thuộc Chương trình công tác của Chính phủ và các văn bản pháp luật trong thẩm quyền của Bộ trưởng

Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia đến năm 2025 và 2030, cùng với các chương trình ứng dụng công nghệ tại địa phương; tổ chức các sự kiện lớn như Techfest Việt Nam 2024 tại Hải Phòng, Hội nghị giao ban KH-CN vùng Bắc Trung bộ tại Quảng Bình, trao Giải thưởng Chất lượng quốc gia…

Tin cùng chuyên mục