Tham dự buổi giám sát có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP; Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, cùng đại diện các sở ngành.
Theo báo cáo của UBND TP, tính đến hết tháng 9-2019, trên địa bàn TPHCM có 172 di tích đã có quyết định xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử), 56 di tích quốc gia…
Trong quá trình thực hiện quy hoạch xây dựng hoặc cấp phép xây dựng đô thị, Sở QH-KT, Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện đều lấy ý kiến của Sở VH-TT đối với công trình tiếp giáp hoặc có khả năng ảnh hưởng xấu đến di tích. Tuy nhiên, nhiều di tích vẫn xuống cấp do kinh phí duy tu, bảo dưỡng còn hạn hẹp, nhiều di tích đã không giữ được, trong khi đó các quy định liên quan thì chậm ban hành.
Đại diện UBND TP cho biết, Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Di sản văn hóa 2009 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành hiện nay có nhiều bất cập, chồng chéo, không phù hợp với tình hình thực tế. Do đó cần sửa chữa để khắc phục những tồn tại nói trên. Trong thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác bảo tồn kết hợp với phát triển, xây dựng cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho người dân cùng tham gia bảo tồn di sản.
Phát biểu tại buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TP rà soát, đánh giá công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn trong thời gian qua. Thành phố cần có chính sách phù hợp để bảo tồn các di sản và phát huy giá trị văn hóa của di sản trong phát triển kinh tế của thành phố trên cơ sở phát huy mọi nguồn lực tham gia vào công tác bảo tồn.