Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cảng biển Trần Đề

UBND tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức buổi làm việc với các thành viên tổ công tác đề xuất cơ chế, chính sách đầu tư phát triển cảng biển Trần Đề.

Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cảng biển Trần Đề

Tại cuộc họp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển cảng biển Trần Đề như: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 5% trong 37 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 13 năm tiếp theo; miễn tiền thuê đất, mặt nước 22 năm và giảm 75% cho thời gian còn lại; đề xuất thời gian giao, cho thuê đất là 70 năm; miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, linh kiện trong nước chưa sản xuất được; thực hiện chuyển mục đích đất rừng phòng hộ thuộc dự án bằng hình thức nộp tiền vào ngân sách; phương án đấu thầu để chọn nhà đầu tư cho cả dự án; được sử dụng nguồn vật liệu cát biển để phát triển cơ sở hạ tầng cảng…

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đề nghị các đơn vị có liên quan cần nghiên cứu kỹ lưỡng, cụ thể các đề xuất cơ chế đặc thù, chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư vào cảng biển. Đặc biệt, phải có cơ chế, chính sách làm nổi bật sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhằm thu hút hiệu quả các nguồn lực xây dựng phát triển cảng biển Trần Đề.

Cảng biển Trần Đề là cảng cửa ngõ của vùng ĐBSCL, có thể tiếp nhận tàu container trọng tải đến 100.000 DWT (6.000-8.000 teus), tàu hàng rời 160.000 DWT. Cảng đóng vai trò xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, tăng cường kết nối, giảm chi phí vận tải và khối lượng hàng hóa tiếp chuyển lên các cảng biển Đông Nam bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội toàn vùng ĐBSCL. Tổng mức đầu tư cảng Trần Đề giai đoạn 1 dự kiến là 46.850 tỷ đồng, giai đoạn hoàn chỉnh là 153.896 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục