Thông lệ quốc tế
Các nhãn hiệu sản phẩm nổi tiếng với thị trường tiêu thụ trên phạm vi toàn cầu như Airbus, Boeing, Samsung, Toyota, iPhone… không sản xuất, thậm chí không lắp ráp ở nước sở tại.
Rất nhiều sản phẩm mang thương hiệu của công ty mẹ, nhưng toàn bộ quá trình nghiên cứu, thiết kế, sản xuất linh kiện, chi tiết, lắp ráp được sản xuất bởi các công ty con, chi nhánh và đối tác ở nhiều nước trên thế giới. Cách tổ chức sản xuất này đã phổ biến từ lâu đối với hầu hết nhiều sản phẩm công nghiệp.
Các tập đoàn đa quốc gia tổ chức sản xuất theo xu hướng tối ưu hóa chuỗi giá trị trên phạm vi toàn cầu. Mỗi quốc gia có lợi thế nhất định, nên phù hợp với vài công đoạn sản xuất của một sản phẩm, như chuỗi giá trị của ngành may, các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng hàng trăm năm ở Mỹ và châu Âu chủ yếu sản xuất, gia công ở các nước châu Á (trong đó có Việt Nam).
DN sản xuất gia công theo thiết kế và gắn nhãn mác theo yêu cầu của DN đặt hàng. DN đặt hàng chủ yếu cung cấp thiết kế hoặc duyệt thiết kế, kiểm soát chất lượng và chịu trách nhiệm hoàn toàn với khách hàng của mình.
Để tạo ra một nhãn hiệu sản phẩm thành công, không nhất thiết phải đầu tư dây chuyền sản xuất từ đầu đến cuối (nếu làm như vậy sẽ không hiệu quả và khả thi), mà điều quan trọng là biết thiết kế và tổ chức chuỗi giá trị sản xuất tối ưu trên phạm vi toàn cầu. DN phát triển nhãn hiệu riêng phải biết cách thiết kế chuỗi giá trị và lựa chọn đối tác phù hợp trên phạm vi toàn cầu từ khâu thiết kế, nguyên liệu đến hợp tác sản xuất các chi tiết, linh kiện, lắp ráp, kết nối hệ thống phân phối… sao cho chi phí sản xuất thấp nhất, hưởng được nhiều nhất các ưu đãi về thuế. Khâu quan trọng nhất của DN sở hữu nhãn hiệu sản phẩm là kiểm soát chất lượng và chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng sản phẩm đối với sự hài lòng của khách hàng. |
Để tối ưu hóa chi phí và chất lượng, họ không thể đảm nhận tất cả các khâu từ thiết kế, nguyên liệu, phụ liệu, sản xuất các chi tiết, linh kiện… mà cần đến các DN sản xuất cung ứng phụ trợ và phân phối.
Mỗi quốc gia có lợi thế nhất định trong sản xuất các sản phẩm phụ trợ nên DN cung ứng được phân bổ khắp nơi trên phạm vi toàn cầu theo nguyên tắc chi phí sản xuất thấp nhất và trình độ công nghệ phù hợp.
Việc tạo ra và sở hữu một nhãn hiệu thành công là rất khó, nên có những DN chỉ tham gia vài công đoạn trong chuỗi sản xuất với các khâu cụ thể như cung ứng nguyên liệu, phụ liệu, sản xuất linh kiện, chi tiết, vận tải, phân phối….
Một DN sản xuất sản phẩm đầu cuối cần đến rất nhiều DN phụ trợ cung ứng. Chẳng hạn như để sản xuất kinh doanh chiếc điện thoại cần hàng trăm nhà cung ứng và phân phối.
Ngược lại, một DN sản xuất phụ trợ cũng có thể cung ứng được cho rất nhiều DN sản xuất đầu cuối khác nhau, như DN gia công cơ khí có thể cung cấp các chi tiết cho xe gắn máy, ô tô, máy bay, thiết bị sản xuất công nghiệp…
Việt Nam không là ngoại lệ
Thời gian qua, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với các cam kết về cắt giảm thuế, điều kiện xuất xứ, lao động, môi trường, thể chế… thúc đẩy hàng hóa, lao động, dòng vốn và DN tự do di chuyển vào ra.
Trong khi đó, Việt Nam không có lợi thế về sản xuất công nghiệp bởi nền công nghiệp còn manh mún, quy mô nhỏ và thiếu nền tảng công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ nên chi phí sản xuất cao và chất lượng còn nhiều hạn chế.
DN Việt Nam chủ yếu sản xuất được các chi tiết, linh kiện với công nghệ đơn giản, chưa sản xuất được các sản phẩm trung gian đòi hỏi công nghệ cao hoặc sản xuất được thì chi phí cao, nên không thể cạnh tranh được với DN sản xuất tại nhiều nước khác trên thế giới.
Vì thế, lựa chọn tốt nhất của DN Việt Nam là tạo ra nhãn hiệu sản phẩm riêng theo hướng thiết kế và tổ chức chuỗi giá trị sản xuất tối ưu trên phạm vị toàn cầu. Theo đó, DN sản xuất đầu cuối đảm nhận công tác nghiên cứu thị trường, định hướng ý tưởng sản phẩm và phương thức phân phối.
Trên cơ sở ý tưởng sản phẩm, DN phân chia thành những công đoạn và đặt hàng cụ thể cho từng công đoạn thiết kế, triển khai sản phẩm, nguồn nguyên liệu, sản xuất sản phẩm trung gian, lắp ráp hoàn chỉnh, phân phối… Việc lựa chọn đối tác đặt hàng, tất nhiên phải theo nguyên tắc chi phí thấp và chất lượng phân bố trên phạm vi toàn cầu.
Việc lựa chọn nơi sản xuất sản phẩm trung gian và rắp ráp không chỉ cân nhắc đến các yếu tố cung ứng và chi phí sản xuất, mà còn phụ thuộc vào các điều kiện về thuế, tiêu chuẩn xuất - nhập khẩu và phân phối hàng hóa.
Chẳng hạn như quốc gia nào có chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu sản phẩm đầu cuối, miễn thuế nhập linh kiện thì sẽ thu hút nhiều DN FDI sản xuất sản phẩm trung gian để lắp ráp. Quốc gia nào tham gia ký kết nhiều FTA sẽ thu hút được nhiều DN FDI sản xuất và lắp ráp, vì thuận lợi về dịch chuyển lao động, hưởng các ưu đãi về thuế khi xuất hàng đi nhiều thị trường trên toàn cầu.
DN phải chịu trách nhiệm cuối cùng với khách hàng về sản phẩm mang nhãn hiệu của mình nên cần làm tốt công tác kiểm soát chất lượng. Theo đó, DN cần nắm bắt và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, hệ thống quản lý môi trường, trách nhiệm xã hội và các quy chuẩn quốc tế liên quan đến lĩnh vực sản xuất của mình.
Áp dụng các hệ thống này, không chỉ hướng đến chất lượng mà còn là cách phát tín hiệu về chất lượng sản phẩm và trách nhiệm của DN với khách hàng. Đồng thời, cũng là điều kiện cần khi xuất khẩu hàng hóa trên phạm vi toàn cầu theo cam kết của các FTA thế hệ mới.
Minh bạch để giữ khách hàngNgười tiêu dùng rất quan tâm về điều kiện xuất xứ của nguyên liệu, sản phẩm trung gian, nên DN cần trung thực và minh bạch xuất xứ. Nhiều FTA tự do thế hệ mới đưa vào yêu cầu cam kết xuất xứ khi quyết định mức thuế ưu đãi. Chẳng hạn CPTPP cam kết “xuất xứ từ sợi” đối với hàng dệt may, nghĩa là quần áo xuất khẩu qua lại các nước phải thỏa mãn điều kiện sử dụng nguyên liệu từ sợi, vải, nút… của các nước trong khối CPTPP thì mới được hưởng ưu đãi về thuế. DN được quyền tự khai xuất xứ nhưng phải chịu hậu kiểm. Nếu phát hiện không trung thực trong khai báo xuất xứ sẽ bị trừng phạt rất nặng, có thể DN bị cấm xuất khẩu vào thị trường đó. Người tiêu dùng rất quan tâm đến chữ tín và cam kết nên DN phải trung thực trong khai báo xuất xứ. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng đan xen với các cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn diễn biến ngày càng phức tạp, các DN cần nghĩ đến những biện pháp giảm tác hại, bằng cách dịch chuyển nhà máy sang các quốc gia có thuế xuất nhập khẩu thấp và hợp tác với nhiều thị trường lớn. Tuy nhiên, việc di chuyển nhà máy không thể thực hiện được trong thời gian ngắn. Để ứng phó trong giai đoạn trước mắt, nhiều DN lợi dụng xuất xứ của các nước khác để tránh né thuế. Việc này xâm hại đến nền công nghiệp của nước bị lợi dụng xuất xứ, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí bị vạ lây khi nước lớn áp thuế hoặc cấm nhập khẩu các sản phẩm gian lận xuất xứ. |