Xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt Nam thật sự bền vững

Ban Chỉ đạo luôn trăn trở và mong muốn cần có những giải pháp căn cơ, cụ thể để nâng cao chất lượng cuộc vận động, tạo sự chuyển biến về nhận thức từ trong các giới, các tầng lớp nhân dân là chuyển từ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sang “Hàng Việt chinh phục người Việt”.

Ngày 8-3, Ban Chỉ đạo cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TPHCM (Ban Chỉ đạo) tổ chức "Hội nghị kết nối xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng hàng Việt Nam".

Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Trưởng Ban Chỉ đạo; Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM…

8-3963.jpg
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải trao đổi cùng đại diện doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: NGÔ BÌNH

Giải pháp căn cơ, chuẩn hóa sản phẩm

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải đánh giá cao các thành viên Ban Chỉ đạo đã chủ động tham mưu triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực như chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, kết nối cung cầu...

Trong đó, chương trình “hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa” là giải pháp không chỉ đáp ứng yêu cầu thiết thực của nhân dân về sản phẩm chất lượng, an toàn mà còn phù hợp với chiến lược kinh doanh dài hạn của cộng đồng doanh nghiệp chân chính, trách nhiệm. Đồng chí tin tưởng chương trình sẽ đạt được mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt Nam thật sự bền vững.

4-9691.jpg
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGÔ BÌNH

Để thực hiện hiệu quả chương trình, đồng chí lưu ý chương trình cần được triển khai triệt để, hệ thống phân phối, doanh nghiệp cung ứng đăng ký tham gia trên tinh thần tự nguyện, nhưng phải tuân thủ nghiêm cam kết. Đồng thời, phải có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội bán hàng, được chia sẻ thông tin thị trường để định hướng sản xuất sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu, nâng cao uy tín...

Các sở, ngành (Công thương, QLTT, An toàn thực phẩm…) cần nghiêm túc đánh giá việc triển khai thực hiện các mục tiêu cụ thể cần phải đạt được vào năm 2025 theo Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 – 2025. Đồng chí yêu cầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các giới, các tầng lớp nhân dân giá trị của việc kết nối là nâng cao chất lượng sản phẩm đến người tiêu dùng.

z5229316578597-3bee8fa3f8a995db5f0606fa1cc00957-8668.jpg
Các đại biểu dự hội nghị

Đồng thời, vận động nhân dân tham gia phản ánh, góp ý để nâng cao chất lượng hàng Việt, cùng phát hiện và chỉ ra những trường hợp hàng gian, hàng giả kém chất lượng, trà trộn làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt trên thị trường. Về phía các doanh nghiệp, cần phát huy, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong kiểm soát chất lượng hàng hóa, đảm bảo cung ứng sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh, bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng, phát huy và gia tăng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam theo hướng phát triển xanh, bền vững.

Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến nhận định, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục hướng đến sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt, phát huy vai trò của doanh nghiệp Việt, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của người dân Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt…

Ban Chỉ đạo luôn trăn trở và mong muốn cần có những giải pháp căn cơ, cụ thể để nâng cao chất lượng cuộc vận động, tạo sự chuyển biến về nhận thức từ trong các giới, các tầng lớp nhân dân là chuyển từ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sang “Hàng Việt chinh phục người Việt”.

1-3371.jpg
Đồng chí Trần Kim Yến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGÔ BÌNH

Vì vậy, Ban Chỉ đạo đã đề ra những giải pháp quan trọng như đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội quảng bá sản phẩm; vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gương mẫu trong tiêu dùng, ưu tiên sử dụng hàng Việt… Một giải pháp trọng tâm mà Ban Chỉ đạo hết sức quan tâm là xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt Nam thật sự bền vững, theo hướng hiện đại - minh bạch - an toàn - hiệu quả. Đó là chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp tham gia phải có tinh thần minh bạch, trách nhiệm; sản xuất trung thực, phân phối trung thực.

Đồng chí Trần Kim Yến nhấn mạnh: “Ban Chỉ đạo đề ra các chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa, kết nối các hệ thống phân phối, cùng hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội bán hàng, chia sẻ thông tin thị trường… Chúng tôi kỳ vọng đây một trong những viên gạch đầu tiên xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt bền vững, sẵn sàng chinh phục người tiêu dùng Việt cũng như những thị trường khó tính khác”.

Chất lượng ngang hàng ngoại

Số liệu từ Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cho thấy, 2 tháng đầu năm 2024, kinh tế TPHCM tiếp tục đà phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP toàn ngành tăng 4,3%; kim ngạch xuất khẩu tăng 11,6%, tổng thu ngân sách nhà nước tăng 13,7%, tổng doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 14,8%…

khach-hang-chon-mua-thit-heo-anh-hoang-thy-tai-coopmart-5582.jpg
Khách hàng ưu tiên lựa chọn hàng Việt tại siêu thị. Ảnh: THI HỒNG

Điều này cho thấy những tín hiệu khởi sắc cho nền kinh tế TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung. Qua khảo sát tại một số siêu thị như Co.opmart, Satra, Bách Hoá Xanh… hàng Việt áp đảo khi chiếm 90 - 95% tổng sản phẩm. Tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài như AEON, Centrail Retail, Mega Market… hàng Việt chiếm tỷ lệ từ 80% - 90%. Ngoài ra, tại kênh phân phối là các chợ, cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng từ 80% trở lên.

Hiện tại, hàng ngàn đặc sản trên khắp vùng miền đất nước được “phủ sóng” khắp các siêu thị, được người tiêu dùng đón nhận như Yến đảo Cần Giờ, dừa sáp sợi Bến Tre, hạt điều Bình Phước, mật hoa dừa Trà Vinh, bánh cốm Bình Định, miến dong Bắc Kạn. TPHCM cũng kết nối các hệ thống phân phối đồng hành, cùng hỗ trợ nhà cung cấp hoàn thiện quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu… với mục tiêu đưa ra thị trường sản phẩm phù hợp thị hiếu tiêu dùng.

z5229553134799-fca32f4d1b72ca9ff25523f5313faecc-8302.jpg
Khách tìm hiểu về các gian hàng bán sản phẩm dừa tươi Bến Tre trong khuôn khổ hội nghị. Ảnh: THI HỒNG

Ghi nhận tại một số gian hàng tham gia “Hội nghị kết nối xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng hàng Việt Nam”, số doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng đến tìm hiểu, mua hàng khá đông. Tại Công ty Tâm Thái (trụ sở huyện Hóc Môn, TPHCM) - chuyên về sản phẩm pa tê nhum biển, khách hàng hào hứng thưởng thức món bánh mì pa tê. Bà Thái Mỹ Tâm, Giám đốc Công ty Tâm Thái cho hay, pa tê nhum biển Tâm Thái mới xuất hiện trên thị trường, đang trong quá trình tìm thêm đối tác, đưa sản phẩm giới thiệu rộng rãi đến khách hàng trong nước.

Tương tự, gian hàng dừa xiêm Bến Tre (tỉnh Bến Tre), yến sào Hải Yến (Long An)… là một trong những gian hàng thuộc khuôn khổ hội nghị cũng được khách hàng quan tâm nhiều.

z5229316556259-07da64b7393f406cd3435806e1f07cd5-7308.jpg
Đại diện doanh nghiệp chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: NGÔ BÌNH

Ở góc độ cơ quan quản lý chuyên ngành, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM đánh giá, rất nhiều sản phẩm nội địa chất lượng tốt, ngang hàng ngoại nhập đang được cung ứng cho thị trường trong nước.

Loại “hàng dỏm” ra khỏi quầy siêu thị

Trong khuôn khổ hội nghị diễn ra 3 nội dung ký kết hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TPHCM, bao gồm: Ký thỏa thuận triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa giữa 6 hệ thống phân phối (Saigon Co.op, Satra, AEON, Central Retail, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh); ký bao tiêu sản phẩm của nhà cung cấp có trách nhiệm tiên phong tham gia chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa và Sở Công thương cùng Sở TT-TT ký thỏa thuận hợp tác triển khai các giải pháp phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển kênh bán hàng trực tuyến, triển khai tập huấn bán hàng trực tuyến tại chợ truyền thống…

Đáng chú ý, với chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TPHCM, thông tin của nhà cung cấp và kết quả kiểm tra chất lượng hàng hoá sẽ được chia sẻ giữa các hệ thống phân phối tham gia chương trình. Sản phẩm vi phạm cam kết chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ được tất cả hệ thống phân phối trong chương trình đánh giá lại, có nguy cơ bị loại ra khỏi quầy kệ, đánh mất thị trường.

Tin cùng chuyên mục