Đây là hoạt động nằm trong chương trình Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ 3-2019 tại tỉnh Gia Lai.
Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cà phê trong những năm gần đây nằm trong nhóm những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực. Hiện nay, sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam bình quân đạt 1,4 - 1,6 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng, trong những năm qua luôn đạt trên 3 tỷ USD. Với vị trí thứ 2 về giá trị xuất khẩu, cà phê Việt Nam đã có mặt tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Xuất phát từ bối cảnh thực tiễn và chủ trương của Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp thực hiện các giải pháp phát triển ngành cà phê Việt Nam theo hướng chuỗi giá trị, tăng cường kết nối sản xuất với thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, phát triển sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu.
Theo Viện Chính sách và chiến lược nông nghiệp nông thôn (Viện IPSARD), Bộ NN-PTNT và Chính phủ đang xây dựng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia cho Cà phê Việt Nam chất lượng cao. Việt Nam muốn tạo ra một thương hiệu, nhãn hiệu, chứng nhận cho những sản phẩm của doanh nghiệp làm cà phê có chất lượng tốt, đáp ứng tiêu chí nhất định. Chính phủ dự định sẽ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho cà phê nhân, cà phê rang và cà phê bột. Những sản phẩm cà phê này đều hoàn toàn là của Việt Nam.
Từ danh tiếng này, Chính phủ hy vọng sẽ xây dựng, tăng khả năng cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế, từ đó tăng giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Cũng theo Viện IPSARD, hiện đơn vị đang cùng với Vicofa và Cục Chế biến và Phát triển trị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) phối hợp để đưa ra bản tiêu chí thế nào là Cà phê Việt Nam chất lượng cao. Trong tiêu chí chung, dự kiến sẽ phải là 100% cà phê được trồng ở Việt Nam; giống phải được Bộ NN-PTNT công nhận; quy trình về canh tác, chế biến; có những chứng nhận bền vững; sản phẩm dựa trên tiêu chí cơ bản như màu sắt, mùi vị, kích cỡ…
Thời gian tới, tiêu chí này sẽ được hoàn chỉnh và gửi đến các doanh nghiệp Việt Nam để xin ý kiến, sau đó kết hợp sử dụng bộ tiêu chí đó để đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Sau khi bảo hộ ở Việt Nam, Chính phủ sẽ có những kế hoạch tiếp theo để bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận này ra nước ngoài.
Chương trình Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ 3 diễn ra tại Gia Lai từ ngày 8 đến 11-12, có các hoạt động chính như: tổ chức khu gian hàng trưng bày, giới thiệu cà phê; thưởng thức cà phê miễn phí và các sản phẩm đặc trung của địa phương; tham quan mô hình sản xuất cà phê; tổ chức giao thương giữa các nhà nhập khẩu cà phê với các doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh.