Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Đề án “Văn hóa công vụ” nhằm hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ, công chức) tại cơ quan hành chính các cấp. Đề án có nhiều quy định nhưng để cán bộ, công chức và người dân gần nhau, hiểu nhau hơn thì phải có cơ chế đảm bảo các quy định trong đề án có thể áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Cần sự cởi mở giữa cán bộ, công chức và người dân
Đề án yêu cầu cán bộ, công chức phải tôn trọng và tận tụy phục vụ nhân dân. Khi giải quyết công việc thì không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước khó khăn, bức xúc của người dân. Cán bộ, công chức phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn và giải thích cặn kẽ thắc mắc của người dân. Đồng thời, thực hiện “4 xin” (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép) và “4 luôn” (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ).
Trao đổi với PV Báo SGGP, nhiều người dân bày tỏ đồng tình trước các quy định này. Theo họ, việc yêu cầu cán bộ, công chức thực hiện theo các nội dung trên là rất quan trọng trong việc tạo cầu nối giúp cán bộ và người dân gần nhau hơn, hiểu nhau hơn. Song, điều người dân băn khoăn là tính khả thi của quy định này. Họ dẫn chứng, nhiều năm qua, TPHCM nói riêng và nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã tổ chức cho người dân đánh giá cán bộ qua máy chấm điểm đặt tại trụ sở tiếp công dân. Nhiều địa phương thực hiện rầm rộ nhưng hiệu quả không như mong đợi. Bởi lẽ, dù có thực hiện đánh giá nhưng sự thay đổi trong phục vụ người dân, doanh nghiệp vẫn chuyển biến rất chậm. Bà Phạm Thanh Mai (phường Phú Hữu, quận 9) cho rằng: “Chúng tôi không chắc rằng việc đánh giá của mình sẽ được ghi nhận nên chưa mặn mà chấm điểm cán bộ qua máy”. Theo bà Phạm Thanh Mai, tại nhiều cơ quan, đơn vị, bàn làm việc của cán bộ vẫn được bố trí ngăn cách với người dân bằng những tấm kính đồ sộ cao quá đầu người. Mọi giao tiếp chỉ diễn ra ở ô trống nhỏ bằng bàn tay - nơi đặt khay nhận và trả hồ sơ, giấy tờ. Người dân muốn trao đổi với cán bộ, công chức phải cúi rạp người, áp vào ô trống đó để nói vọng vào. Phía trong, cán bộ tiếp dân nghe rõ thì gật đầu, không nghe thì lắc. Việc giải thích, hướng dẫn các thủ tục vì vậy cũng gặp khó khăn.
Để cải thiện thái độ, cách ứng xử, giao tiếp của cán bộ, công chức đối với người dân, theo bà Mai, trước tiên cần tạo không gian cởi mở, gần gũi. Có cơ chế giám sát chặt chẽ, công khai các góp ý cũng như chế tài xử lý trên website hoặc tại các cuộc họp khu phố, tổ dân phố. Bên cạnh việc tiếp nhận qua phản ánh trực tiếp từ người dân, qua máy chấm điểm, các đơn vị giám sát nên kiểm tra ngẫu nhiên bằng cách trích xuất camera gắn tại các trụ sở tiếp công dân để có cơ sở cụ thể hơn khi đánh giá thái độ ứng xử, giao tiếp của cán bộ, công chức đối với người dân.
Lời nhắc nhở với người lãnh đạo
Một nội dung quan trọng khác của đề án “Văn hóa công vụ” là yêu cầu cán bộ, công chức không được nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng. Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông TPHCM, bày tỏ: Hành vi nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì mục đích được ưu ái hơn trong công việc là điều cần phải ngăn chặn, nhất là trong thời điểm cả nước đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chọn người tài. Quy định này góp phần đảm bảo mọi cán bộ, công chức có cơ hội thể hiện năng lực, được ghi nhận và đánh giá một cách công bằng. Song, quy định này phần nào còn mơ hồ và không dễ để áp dụng vào thực tiễn.
Thực tế, những người dùng lời xu nịnh vì mục đích không trong sáng không chỉ thể hiện ở nơi làm việc mà còn thể hiện ở những nơi khác. Cho nên, việc tổ chức thực hiện đề án không tốt có thể làm phát sinh nhiều tiêu cực bên ngoài công sở. “Đề án cũng nêu rõ, cán bộ, công chức vi phạm thì sẽ bị xử lý, vậy việc nịnh bợ được thực hiện bằng lời nói thì lấy bằng chứng nào để xử lý?”, bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh đặt vấn đề.
Một số cán bộ, công chức khác cũng cho rằng, ranh giới giữa nịnh bợ và thể hiện tình cảm kính trọng, khâm phục một cách chân thành của cấp dưới đối với cấp trên là khá mong manh. Cho nên, nếu không có các hướng dẫn cụ thể có thể dẫn đến hiểu lầm và phần nào sẽ ảnh hưởng đến quan hệ nội bộ của cơ quan. Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cũng góp ý, cần có quy định cán bộ lãnh đạo không vì những lời nịnh bợ để thiếu công tâm trong công việc. Đồng thời, có kênh giám sát, đánh giá, thực hiện bỏ phiếu kín, quy trách nhiệm cho cấp trên thay vì quy trách nhiệm cho cấp dưới.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Đảng ủy phường 8 (quận 8), nhận xét, những yêu cầu trong đề án bước đầu là lời cảnh tỉnh, đánh động, nhắc nhở chung đối với cán bộ, công chức. Đặc biệt là lời nhắc nhở với người lãnh đạo, quản lý, trong lãnh đạo điều hành cần cẩn trọng, cân nhắc hơn, nhất là công tác cán bộ do mình quản lý. Qua đó, góp phần tạo nên môi trường làm việc công bằng, minh bạch, tạo động lực cho anh em cố gắng, nỗ lực hơn. Để phòng ngừa thì quan trọng nhất là vai trò của người thủ trưởng, phải biết tiết chế và nhắc nhở cấp dưới để họ không cần phải nịnh bợ, lấy lòng ai.
* Luật sư PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao: Cần bổ sung “cấp trên không nhận xu nịnh” |