Tham dự và cùng chủ trì hội nghị có: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến; Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Nguyễn Ngọc Thảo; Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Huỳnh Lê Như Trang.
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: NGÔ BÌNH |
Tại hội nghị, các đại biểu (ĐB) nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ chi phí thuê nhà ở tạm cư cho hộ gia đình, cá nhân trong thời gian chờ bố trí nhà ở, đất ở tái định cư trên địa bàn TPHCM và sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội.
Các ĐB cho rằng khi được áp dụng, nghị quyết này sẽ tạo điều kiện để người bị thu hồi đất đảm bảo về chỗ ở, ổn định đời sống và sản xuất. Đồng thời, đảm bảo tính khả thi và giải quyết được những khó khăn, tồn tại trong thực tiễn; hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất; tháo gỡ được một số khó khăn, vướng mắc của các địa phương…
ĐB Thi Thị Tuyết Nhung, nguyên Trưởng Ban Văn hóa xã hội, HĐND TPHCM, cho rằng, khi được ban hành, nghị quyết sẽ là chính sách rất nhân văn, tạo được sự đồng thuận, phù hợp trong điều kiện TPHCM có nhiều dự án thu hồi đất phục vụ các dự án nhà ở và công trình xã hội.
ĐB Thi Thị Tuyết Nhung phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGÔ BÌNH |
Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết cần được điều chỉnh một số nội dung cho sát với thực tế hơn. ĐB đề nghị tăng mức hỗ trợ cho người dân, bởi một số khu vực như quận 1, quận 3 có giá thuê nhà rất cao còn mức hỗ trợ như trong dự thảo nghị quyết là chưa đáp ứng được.
Đồng quan điểm, ĐB Trần Minh Thơ cho rằng, ban soạn thảo nghị quyết phải khảo sát kỹ hơn để chính sách bao quát được các đối tượng bị ảnh hưởng và điều chỉnh mức hỗ trợ cho phù hợp với thực tế.
Đối với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các ĐB đề nghị xem xét lại một số vấn đề như đa dạng về mức đóng và hưởng Bảo hiểm xã hội tự nguyện để người dân lựa chọn; nghiên cứu lại việc giảm tuổi về hưu thay vì giảm số năm đóng Bảo hiểm xã hội… để hài hòa giữa chính sách Bảo hiểm xã hội với quyền lợi của người lao động.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến trân trọng ghi nhận, tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu. Theo đồng chí, những ý kiến của ĐB về dự thảo nghị quyết hướng đến sự quan tâm, tạo điều kiện để người dân được đảm bảo về chỗ ở, ổn định đời sống và sản xuất; bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến tiếp thu ý kiến các đại biểu. Ảnh: NGÔ BÌNH. |
Cùng với đó, những đóng góp cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đi vào trọng tâm, những vấn đề mà dư luận, người lao động đặc biệt quan tâm, nhằm góp phần giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập; đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động.
Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM sẽ tổng hợp các ý kiến gửi đến cơ quan soạn thảo dự thảo Luật và dự thảo Nghị quyết để có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Theo dự thảo Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ chi phí thuê nhà ở tạm cư cho hộ gia đình, cá nhân trong thời gian chờ bố trí nhà ở, đất ở tái định cư trên địa bàn TPHCM, mức hỗ trợ chi phí thuê nhà ở tạm cư được áp dụng theo khu vực nơi có vị trí nhà ở, đất ở bị thu hồi. Cụ thể:
Khu vực 1, gồm các quận: 1, 3, 5.
Hộ có từ 4 nhân khẩu trở xuống: 8 triệu đồng/hộ/tháng;
Hộ có từ 5 nhân khẩu trở lên: 2 triệu đồng/người/tháng, nhưng tổng mức hỗ trợ không quá 24 triệu đồng/hộ/tháng.
Khu vực 2, gồm các quận: 4, 6, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, và Gò Vấp.
Hộ có từ 4 nhân khẩu trở xuống: 7 triệu đồng/hộ/tháng;
Hộ có từ 5 nhân khẩu trở lên: 1,75 triệu đồng/người/tháng, nhưng tổng mức hỗ trợ không quá 21 triệu đồng/hộ/tháng.
Khu vực 3, gồm các quận: 7, 8, 12, Bình Tân, Tân Phú và TP Thủ Đức.
Hộ có từ 4 nhân khẩu trở xuống: 6 triệu đồng/hộ/tháng;
Hộ có từ 5 nhân khẩu trở lên: 1,5 triệu đồng/người/tháng, nhưng tổng mức hỗ trợ không quá 18 triệu đồng/hộ/tháng.
Khu vực 4, gồm các huyện: Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ và Nhà Bè.
Hộ có từ 4 nhân khẩu trở xuống: 5 triệu đồng/hộ/tháng;
Hộ có từ 5 nhân khẩu trở lên: 1,25 triệu đồng/người/tháng, nhưng tổng mức hỗ trợ không quá 15 triệu đồng/hộ/tháng.