Xây dựng chính quyền số: Hướng đến phục vụ người dân tốt hơn

Thực hiện chủ đề công tác năm 2024, TPHCM đẩy mạnh công tác giải quyết hồ sơ, thủ tục trên môi trường số. Từ đó góp phần giải quyết những chồng chéo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Công chức Sở LĐTB-XH TPHCM giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân
Công chức Sở LĐTB-XH TPHCM giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân

Liên thông dữ liệu

Là cán bộ phụ trách lĩnh vực tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo của Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND TPHCM, ông Lê Trí Dũng (chuyên viên Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND TPHCM) thường xuyên tiếp xúc người dân và tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trong đó, nhiều trường hợp người dân đã nộp đơn ở nơi này và đã được trả lời nhưng vẫn đi nộp đơn ở nơi khác. Điều này khiến cán bộ tiếp nhận, giải quyết đơn thư tốn nhiều thời gian để sàng lọc, giải quyết lại dù kết quả giống nhau.

Trước thực tế đó, Văn phòng UBND TPHCM đã xây dựng hệ thống quản lý khiếu nại, tố cáo tại TPHCM (gọi tắt là hệ thống), liên thông với Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo. Hệ thống đã hình thành được kho dữ liệu tập trung về tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; quản lý, phân loại, theo dõi, xử lý đơn thư trùng lặp, từng bước số hóa quy trình quản lý và xử lý trên môi trường điện tử, đảm bảo thống nhất một cơ sở dữ liệu và thông suốt qua mạng máy tính.

Chánh Văn phòng UBND TPHCM Đặng Quốc Toàn cho biết, hệ thống được xây dựng dưới kiến trúc mở, sẵn sàng mở rộng tích hợp các hệ thống thành phần khi cần thiết. Các sở, ngành, địa phương có thể khai thác, mở rộng với dữ liệu được lưu trữ tập trung tại Trung tâm dữ liệu thành phố, đảm bảo an toàn thông tin và liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu về khiếu nại, tố cáo của Thanh tra Chính phủ.

Tr3-23-3-2024.jpg

Đưa hồ sơ lên môi trường điện tử

Song song với các hệ thống giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, thời gian qua TPHCM đã có những bước đi vững chắc trong xây dựng chính quyền điện tử, từng bước xây dựng chính quyền số. Trong đó, thành phố triển khai Hệ thống quản trị thực thi trên nền tảng số. Đây là hệ thống nền tảng dùng chung phục vụ sự lãnh đạo điều hành của Thường trực UBND TPHCM đến các sở, ngành, địa phương, đơn vị; triển khai Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh”. TPHCM cũng triển khai bộ chỉ số chuyển đổi số thành phố năm 2023 nhằm đánh giá, xếp loại công tác chuyển đổi số của các sở, ban, ngành, địa phương.

Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng cho biết, bộ chỉ số chuyển đổi số giúp các cơ quan, đơn vị theo dõi thời gian thực hiện kết quả chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị mình. Từ đó có thể điều chỉnh kịp thời, góp phần thực hiện chủ đề năm của thành phố và thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ các chỉ tiêu, nhiệm vụ do Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số giao cho TPHCM. Qua đó, thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong đẩy mạnh chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị.

Sở LĐTB-XH TPHCM là đơn vị có nhiều thủ tục hành chính. Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Văn Thinh chia sẻ, sở đang đẩy mạnh giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến toàn trình và một phần. Hiện nay, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của sở bố trí máy lấy số thứ tự, máy tính để người dân, doanh nghiệp thuận tiện trong việc tra cứu thông tin. Sở cũng trang bị 2 máy quét tài liệu để thực hiện việc số hóa tài liệu, thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và 2 máy quét mã QR nhằm khai thác thông tin công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngoài ra, sở cung cấp mã QR để người dân và doanh nghiệp tiện tra cứu thông tin, đồng thời có thể khai báo và nộp hồ sơ hành chính bằng điện thoại thông minh.

Bà Mai Thị Hồng Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết, quận đã ứng dụng chữ ký điện tử, chữ ký số cá nhân, chứng thư số cơ quan và gắn mã QR tra cứu để thực hiện cấp giấy phép điện tử, cải tiến quy trình giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến. Trên thực tế, chữ ký số, văn bản điện tử đã được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TPHCM đẩy mạnh suốt thời gian qua nhằm góp phần xây dựng chính quyền số, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Tương tự, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Lê Huỳnh Minh Tú thông tin, việc áp dụng chữ ký số đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, thuận tiện, mọi lúc mọi nơi; đồng thời có thể nhận được kết quả hồ sơ ngay khi công chức của sở xử lý xong mà không phải chờ đến ngày hẹn trả kết quả.

Tin cùng chuyên mục