Xếp hạng này còn thấp so với mong muốn và điều đó càng thúc đẩy quyết tâm mạnh mẽ hơn trong xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Việc thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử là một trong những nỗ lực trong việc thúc đẩy quá trình này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm triển khai Chính phủ điện tử ở phạm vi bộ, ngành, địa phương mình quản lý. “Phải có đầu mối, một người chỉ huy thống nhất, không để nhà nhà, người người, ngành ngành làm dự án đầu tư công nghệ thông tin, làm các cơ sở dữ liệu khác nhau”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu trong tháng 10 tới, Bộ Thông tin - Truyền thông chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, phù hợp với xu hướng phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới và bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, trình Thủ tướng xem xét, ban hành. Tập trung ưu tiên hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các ngành, các cấp cùng chung tay vào xây dựng thành công Chính phủ điện tử, chứ không phải “mạnh ai nấy làm”.
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến ký kết các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực Chính phủ điện tử giữa Văn phòng Chính phủ với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; quy chế phối hợp giữa Văn phòng Chính phủ với Bộ Thông tin - Truyền thông và Ban Cơ yếu Chính phủ.