Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM nhấn mạnh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự tồn vong của Đảng và chế độ, sự phát triển bền vững của đất nước. Với ý nghĩa đó, trong các văn kiện, Đảng ta luôn khẳng định công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng là một nội dung trọng tâm, là vấn đề then chốt, là công việc hệ trọng của Đảng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về sự cần thiết phải tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tập trung luận giải, phân tích những điểm mới trong văn kiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đồng thời làm rõ các mặt trong công tác xây dựng Đảng; trên cơ sở đánh giá thực trạng, chỉ rõ kết quả đạt được và hạn chế trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Qua đó đề xuất các giải pháp thiết thực, góp phần tạo bước chuyển mới xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh toàn diện và vận dụng để xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu tố chức cơ sở Đảng.
Thạc sĩ Phạm Thị Vân, Khoa Lý luận cơ sở, Học viện Cán bộ TPHCM còn đề xuất 5 nội dung nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền hiện nay. Đặc biệt là giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng theo hướng quy chế hóa, quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, đảng viên đang làm việc trong bộ máy nhà nước.
Nhằm nâng cao công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, TS Phan Thị Hà, Trường ĐH Kinh tế TPHCM (phân hiệu Vĩnh Long) cho rằng, cần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp từ Trung ương đến cơ sở vững mạnh về chính trị, tư tưởng và giỏi về chuyên môn nghiệp vụ. Ở đó, Đảng cần có cơ chế, chính sách quan tâm đối với cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở - những người trực tiếp tiếp nhận, đưa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước vào cuộc sống.
Cạnh đó, từng bước siết chặt công tác đào tạo, bồi dưỡng chính quy hóa đội ngũ cán bộ các cấp. “Việc quy định chuẩn hóa kiến thức, đủ văn bằng, chứng chỉ đối với cán bộ là cần thiết. Song, chính quy định này đã tạo ra cơ chế “chạy bằng” ở các trường. Nhiều cán bộ đã phải “học nhanh, học vội” để có được văn bằng, chứng chỉ theo quy định”, TS Phan Thị Hà nhấn mạnh. Đồng thời cho rằng bên cạnh việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống nhà trường, kiên quyết xử lý bệnh “chạy bằng, chạy chứng chỉ” thì cần phải đơn giản hóa các văn bằng, chứng chỉ không cần thiết đối với chức danh, chức vụ của cán bộ, công chức.
Trao đổi tại hội thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Phạm Phương Thảo đánh giá, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng chặt chẽ, rõ ràng. Công tác xây dựng Đảng được xem là 1 trong 5 thành tố của chủ đề Đại hội XIII của Đảng. Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm thì nhiệm vụ xây dựng Đảng rất rõ, xây dựng trên mọi mặt, công tác kiểm tra, giám sát phòng chống tham nhũng, tiêu cực được nhấn mạnh hơn.
Dù vậy, đồng chí cho rằng công tác xây dựng Đảng gắn với thực tiễn còn những mặt còn hạn chế, cần phải tiếp tục tạo sự chuyển biến rõ nét hơn trong một số nội dung. Cụ thể, cần phát huy dân chủ trong Đảng tốt hơn nữa vì thực tế vẫn còn hiện tượng nói theo, cấp dưới nói theo lãnh đạo, trên dưới nói như nhau. Việc phê bình, tự phê bình cũng chưa thực sự hiệu quả; công tác kiểm tra, giám sát, chất vấn trong Đảng cần đẩy mạnh hơn nữa.
Đồng thuận với ý kiến về công tác cán bộ đòi hỏi quá nhiều văn bằng, chứng chỉ, theo đồng chí Phạm Phương Thảo, nếu lựa chọn được người đầy đủ văn bằng, chứng chỉ và giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, giỏi trong thực tiễn công việc thì quá tốt. Còn nếu khư khư, cứng nhắc trong quy trình để người giỏi lọt từ “vòng gửi xe” thì cần nghiên cứu, xem xét. Vì vậy đã đến lúc phải rà soát trong thực tiễn để lựa chọn cán bộ giỏi, chọn người vừa nói được, vừa làm được, người có sáng tạo trong cách làm. Ở đó, có thể cho cán bộ vượt cấp, nghĩa là mạnh dạn không khuôn mẫu theo quy trình để bố trí những nhân tố mới, nhân tố ưu tú vào những vị trí phù hợp.
Từ thực tiễn tại cơ sở, bà Hồ Thị Trúc Giang, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận 5 đề xuất 4 vấn đề cần quan tâm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, bà cho rằng việc tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cần đẩy mạnh theo hướng đưa nghị quyết vào cuộc sống bằng những việc làm cụ thể; việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở cần sâu sát hơn, phải thể hiện được vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đồng thời chấn chỉnh việc sinh hoạt Đảng; quan tâm, đẩy mạnh việc tiếp xúc, đối thoại với đảng viên.
Thạc sĩ Hà Trung Thành, Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TPHCM cho rằng đảng viên chính là tế bào của Đảng. Người dân biết về Đảng thông qua từng đảng viên. Ở nơi nào, đảng viên làm tốt vai trò nêu gương thì ở đó công tác dân vận tốt, người dân nghe theo. Do đó xây dựng, chỉnh đốn Đảng là xây dựng từng đảng viên thật sự vững mạnh về mọi mặt.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát đánh giá các ý kiến thảo luận đã tập trung luận giải, phân tích những điểm mới trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hội thảo cũng làm rõ các mặt trong công tác xây dựng Đảng theo quan điểm của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trên cơ sở đó đánh giá thực trạng, chỉ rõ kết quả đạt được và hạn chế trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Qua hội thảo, các đại biểu đã thống nhất công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần có các đúc kết sâu sắc hơn, đầy đủ hơn. Từ đó bổ sung cho lý luận, cập nhật những quy định mới giúp công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phù hợp với tình hình thực tiễn.