Cần đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn vong Đảng và chế độ.
Trình bày báo cáo những nội dung chủ yếu về Kết luận Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận và Quy định những điều đảng viên không được làm tại Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, sáng 9-12, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết: Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, một trong những bài học kinh nghiệm quý báu hàng đầu được nhấn mạnh trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Bài học về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là bài học kinh nghiệm xuyên suốt của Đảng từ khi thành lập đến nay, nhất là trong công cuộc đổi mới của Đảng.
Quang cảnh phòng họp Diên Hồng. Ảnh: QUANG PHÚC Nguy cơ trực tiếp đe doạ sự tồn vong của Đảng, của chế độ
Tại Hội nghị lần thứ tư, Ban chấp hành Trung ương khóa XIII đã xem xét báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 4 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Báo cáo kết quả hiện Quy định 47-QĐ/TW (ngày 1-11-2012) của Ban chấp hành Trung ương khóa XI những điều đảng viên không được làm, trên cơ sở đó ban hành Kết luận 21-KL/TW (ngày 25-10-2011) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiên cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Quy định 37-QĐ/TW (ngày 1-11-2021) về những điều đảng viên không được làm. Ngày 1-12-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch 03-KH/TW để thực hiện Kết luận 21.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trước giờ khai mạc hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC Về tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, đồng chí Trương Thị Mai cho biết, từ năm 2016 đến 2020, có 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (0,5% tổng số đảng viên) bị xử lý kỷ luật, trong đó: 15.101 đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống (60%); 8.281 đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị (33%); 1.722 đảng viên biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (6,9%).
Về suy thoái đạo đức, lối sống: 15.101 đang viên bị xử lý kỷ luật, trong đó nhiều nhất (7.692 đảng viên) là “đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín, dị đoan" ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp. Sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội; 2.216 đảng viên “gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách Nhà nước, đất đai, tài nguyên… đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả, mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc; 1.623 đảng viên “tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực”.
Về suy thoái tư tưởng chính trị: 8.281 đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó nhiều nhất (6.838 đảng viên) là “không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả...”; 477 đang viên “nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm, hứa nhiều, làm ít; nói một đằng, làm một nẻo: nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”.
Về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có 1.722 đảng viên bị xử lý kỷ luật, nhiều nhất (1.626 đảng viên) là số đảng viên “nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận thành quả cách mạng, thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.
Đồng chí Trương Thị Mai trình bày báo cáo tại hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC Kết luận 21 đã tiếp tục nhấn mạnh những mặt đạt được trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, đồng thời chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm:
1. Một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước;
2. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình, kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng còn hạn chế. Cơ chế kiểm soát quyền lực, chế tài xử lý vi phạm chưa cụ thể, hiệu quả thực thi thấp;
3. Giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên chưa hiệu quả; chưa phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh những hạn chế trong thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa XII, đó là: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nghiên cứu, tổng kết thực tiên, giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu; sinh hoạt Đảng đơn điệu, hình thức, hiệu quả chưa cao. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, có nơi mất sức chiến đấu. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên còn yếu kém; nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa tiên phong, gương mẫu, còn quan liêu, cửa quyền, chưa sâu sát cơ sở; công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái; công tác tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức, còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm, trách nhiệm; tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực còn nghiêm trọng. Những hạn chế này làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, tổn thương tình cảm và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Các đại biểu dự hội nghị tại phòng họp Diên Hồng. Ảnh: QUANG PHÚC Chủ động tiến công, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm khắc
Về yêu cầu của tình hình mới, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, đến nay bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra từ năm 1994, tại Đại hội giữa nhiệm kỳ khóa VI vẫn đang hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn (vẫn tụt hậu xa về kinh tế, vẫn đối mặt với nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa, tham nhũng và tệ quan liêu, “diễn biến hòa bình”). Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Kết luận 21 yêu cầu cần đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn vong Đảng và chế độ. Do đó, phải kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Về những điểm mới trong Kết luận 21, đồng chí Trương Thị Mai cho biết, mở rộng phạm vi, không chỉ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh mà còn bao gồm cả xây dựng hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cùng với ngăn chặn, đẩy lùi, phải chủ động tiến công mạnh mẽ kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm suy thoái, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tạo bước đột phá mới, cấp độ cao hơn, cường độ và mức độ quyết liệt hơn, thái độ xử lý nghiêm khắc hơn. Kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”. Yêu cầu cao hơn về đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi, “lợi ích nhóm”, quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân. “Kết luận 21 là quyết tâm chính trị cao, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nhằm xây dựng Đảng toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng”, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.
Toàn cảnh điểm cầu phòng họp Diên Hồng Nghị quyết Đại hội XIII yêu cầu trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức bộ máy, tổ chức cơ sở đảng và đáng viên, cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, xây dựng mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới.
Trên cơ sở đó, Kết luận 21 đã đưa ra những nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
1. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình;
2. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;
3. Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách;
4. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm;
5. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Để đảng viên nhìn nhận, soi xét lại mình, tự sửa mình trong công tác, cuộc sống
Về Quy định 37 những điều đảng viên không được làm, đồng chí Trương Thị Mai cho biết, trên cơ sở kết quả thực hiện Quy định 115 (ngày 7-12-2007) của Bộ Chính trị khóa X, Hội nghị Trung ương 3 khóa XI đã ban hành Quy định 47 về những điều đảng viên không được làm nhằm thực hiện nghiêm Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc; ngăn chặn tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, nêu cao trách nhiệm nêu gương, là căn cứ quan trọng để xem xét, xử lý vi phạm của đảng viên.
Tuy nhiên, hạn chế của việc thực hiện Quy định 47, đó là: chưa bao quát đầy đủ các nội dung đảng viên không được làm; một số nội dung chưa đủ rõ, không còn phù hợp nên thực hiện, áp dụng, xem xét vi phạm còn khó khăn, vướng mắc; một số nội dung trùng lặp, chưa thật logic và có tính tổng hợp; một số nội dung chưa cập nhật, bổ sung kịp thời quy định mới của Đảng, Nhà nước. Do đó, tại Hội nghị Trung ương 4, BCHTW khóa XII quyết định phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy định về những điều đảng viên không được làm trên cơ sở kế thừa Quy định 47 và sửa đổi những nội dung không còn phù hợp, chưa đủ rõ, bổ sung, cập nhật quy định mới của Đảng, Nhà nước, những vấn đề đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn để giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, tiêu cực, tha hóa quyền lực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng đội ngũ đảng viên bản lĩnh chính trị vững vàng, phầm chất đạo đức trong sáng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, luôn nêu cao tính tiền phong, gương mẫu.
Đồng chí Trương Thị Mai: Quy định 37 là văn bản quan trọng để đảng viên nhìn nhận, soi xét lại mình, tự sửa mình trong công tác, cuộc sống. Ảnh: QUANG PHÚC Quy định 37 thay thế Quy định 47 về cơ bản giữ nguyên 19 điều; được điều chỉnh, sắp xếp và biên tập lại một số điều cho phù hợp với các nhóm hành vi (tư tưởng, chính trị, lối sống, nhiệm vụ đảng viên, nhiệm vụ cấp trên giao...) có tính hệ thống, chặt chẽ, có tính pháp quy, cụ thể, rõ nội hàm, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát. Trong đó có xây dựng 2 điều mới là Điều 3 và Điều 13.
“Quy định 37 là văn bản quan trọng để đảng viên nhìn nhận, soi xét lại mình, tự sửa mình trong công tác, cuộc sống, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận 21 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương của đảng viên, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.
TRẦN BÌNH