Ngày 21-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
Với tỷ lệ tán thành cao, UBTVQH đã biểu quyết, thông qua Nghị quyết với nội dung tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản nhằm phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Theo Báo cáo, trong giai đoạn 2011-2016, nuôi trồng hải sản trên biển và hải đảo đã có những bước phát triển đáng kể, với diện tích và sản lượng tăng đều đặn qua các năm. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các quy hoạch nuôi cá biển đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, Quy hoạch nuôi nhuyễn thể hàng hóa tập trung đến năm 2020, Quy hoạch rong biển đến năm 2020.
Công tác giao, cho thuê mặt nước nuôi trồng hải sản trên địa bàn các tỉnh ven biển đảm bảo hạn mức và thời gian theo thẩm quyền, đúng quy hoạch nuôi trồng hải sản, cơ bản bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật và các yêu cầu về quốc phòng, an ninh.
Các địa phương đã ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện khuyến khích phát triển các mô hình hợp tác, liên kết nuôi trồng hải sản có hiệu quả; tập trung vào mô hình hợp tác xã; gắn kết các hộ gia đình hình thành khu nuôi trồng hải sản tập trung trong điều kiện nguồn vốn đầu tư còn hạn chế… Các mô hình nuôi trồng hải sản của các địa phương về cơ bản phát huy được hiệu quả, khai thác tốt tiềm năng tự nhiên và nguồn nhân lực tại địa phương.
Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng nhận thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh chưa thực sự được coi trọng, chưa được tiến hành thường xuyên, chưa tạo ra phong trào sâu rộng; việc thực hiện thiếu thống nhất, hình thức tiến hành chưa phù hợp với tình hình thực tế nên nhận thức của một bộ phận người dân, nhất là những ngư dân thường xuyên đi biển còn nhiều hạn chế.
Đáng lưu ý, ngư cụ khai thác hiện nay được ngư dân sử dụng rất đa dạng, nhiều chủng loại, trong đó có cả những ngư cụ khi sử dụng có thể tận diệt nguồn lợi hải sản, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quản lý nguồn lợi hải sản. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và đào tạo sử dụng còn hạn chế; các trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát còn thiếu, kém đồng bộ, còn phụ thuộc vào các cơ quan quản lý của trung ương; việc kiểm tra, kiểm soát các hoạt động trên biển, nhất là đối với các tàu cá đánh bắt xa bờ gặp nhiều khó khăn.
Từ thực tế trên, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm cụ thể hóa đầy đủ nguyên tắc Hiến định về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, quốc phòng, an ninh với kinh tế theo Điều 68 Hiến pháp. Đề nghị bổ sung vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nội dung về trách nhiệm của Ủy ban Quốc phòng và An ninh trong việc thẩm tra về việc đáp ứng yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh trong các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; quy định cụ thể trong Luật Thủy sản về nội dung, phương thức kết hợp trong khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản với quốc phòng, an ninh, có các quy định cụ thể để thu hút đầu tư, thu hút nguồn nhân lực phát triển bền vững ngành thủy sản.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường, theo hướng thống nhất, đồng bộ, phù hợp và hội nhập; khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, không rõ trách nhiệm và thiếu tính khả thi. Quyết định phê duyệt vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm quốc gia về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản, khắc phục tình trạng dàn trải, thiếu tập trung, kém hiệu quả.
Đoàn giám sát cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành thực hiện đồng bộ chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản gắn với bảo vệ, phát triển nguồn lợi hải sản và kiểm soát chặt chẽ môi trường biển, ven biển; kiên quyết xử lý, đình chỉ các dự án làm ô nhiễm môi trường biển, ven biển gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi hải sản, sức khỏe cộng đồng và đời sống của người dân; nâng cao năng lực khai thác hải sản xa bờ và khai thác viễn dương hiệu quả và bền vững; xây dựng các trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường trọng điểm kết hợp với xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, liên kết chặt chẽ giữa biển, đảo với đất liền…
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị Nhà nước tiếp tục có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện tốt hơn cho ngư dân thúc đẩy phát triển kinh tế biển, ra khơi bám biển. Song song đó, cần quan tâm, xử lý nghiêm những hành vi gây phương hại, thiệt hại đến lợi ích của nhà nước và ngư dân.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị Đoàn giám sát nêu kiến nghị cụ thể hơn về các chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý các hành vi đánh bắt thủy sản theo kiểu hủy diệt môi trường và nguồn lợi thủy sản.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh đề nghị tập trung nâng cao năng lực khai thác và đánh bắt xa bờ, xây dựng các trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường trọng điểm kết hợp với xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, liên kết chặt chẽ giữa biển, hải đảo với đất liền.
“Các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa việc nắm tình hình kiểm tra, kiểm soát các hoạt động trên biển, tăng cường các biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản của ngư dân trên biển”, người đứng đầu Ủy ban Tư pháp nhận định.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, báo cáo giám sát được xây dựng công phu, đã nêu lên những kết quả đạt được, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, tồn tại và đưa ra những kiến nghị xác đáng. Tuy nhiên, cần làm rõ thêm nội dung về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trước những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong thực hiện chính sách, pháp luật phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.