Xây dựng các trung tâm dữ liệu: Đáp ứng cấp thiết công cuộc chuyển đổi số

Nhiều doanh nghiệp công nghệ trong nước đang đẩy mạnh đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng trung tâm dữ liệu (Data Center) với các tiêu chuẩn quốc tế, quy mô tầm khu vực. Các trung tâm này không chỉ đáp ứng chiến lược kinh doanh hạ tầng số của doanh nghiệp, mà còn gắn với tiến trình chuyển đổi số của cả nước.

Đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng

Tập đoàn Viettel đang gấp rút quá trình xây dựng Trung tâm dịch vụ lưu trữ dữ liệu kết hợp nghiên cứu phát triển công nghệ cao Viettel tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi, TPHCM).

Giữa tháng 5-2023, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án trung tâm này cho Viettel với vốn đầu tư 14.700 tỷ đồng, triển khai trên diện tích 40.000m2. Giai đoạn 1 dự kiến hoạt động từ quý 4-2025 và giai đoạn 2 hoạt động từ quý 1-2028.

Đây là dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng số, hiện thực hóa bản ghi nhớ đầu tư của Viettel với UBND TPHCM trong hoạt động, hỗ trợ các mục tiêu chuyển đổi số tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi hồi tháng 4-2022. Đại diện Viettel cho biết, dự án là điểm trung chuyển dữ liệu thu hút các doanh nghiệp nước ngoài về Việt Nam như Microsoft, Google và Amazon… và là điểm kết nối băng thông rộng từ TPHCM đi các điểm trên thế giới.

D4c.jpg
Trung tâm dữ liệu của VNG tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TPHCM) được giám sát 24/7

Không chỉ Tập đoàn Viettel, tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp công nghệ khác cũng đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng trung tâm dữ liệu. Điển hình như Trung tâm Dữ liệu CMC Data Center Tân Thuận (quận 7, TPHCM) với vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, là trung tâm dữ liệu hiện đại và an toàn bậc nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. CMC Data Center Tân Thuận được B-Barcelona Singapore thiết kế tuân thủ theo các tiêu chuẩn khắt khe nhất cho một trung tâm dữ liệu hiện đại như PCI DSS, ISO 27001:2013, ISO 9001:2015...

“Trung tâm phục vụ mục tiêu phát triển của TPHCM là đến năm 2030 trở thành thành phố dịch vụ chất lượng cao, công nghệ hiện đại, dẫn đầu về phát triển kinh tế số, xã hội số. Để đạt mục tiêu đó, sự tham gia trực tiếp của các doanh nghiệp công nghệ có tiềm lực là rất quan trọng. Việc đưa vào vận hành CMC Data Center Tân Thuận còn đánh dấu một bước phát triển mới để đưa Việt Nam gần hơn tới mục tiêu trở thành Trung tâm Dữ liệu khu vực Digital HUB của châu Á - Thái Bình Dương mà chúng ta đã chọn”, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC, cho biết.

Tương tự, VNG cũng xây dựng trung tâm dữ liệu mới tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TPHCM) với quy mô 7.800m2, diện tích sàn sử dụng 2.400m2, cung cấp 410 tủ rack (tủ lắp đặt servers) và dự kiến mở rộng đến 1.600 tủ rack nhằm đáp ứng linh hoạt, kịp thời cho sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. VNG sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất trong ngành Data Center, bao gồm hệ thống điện dự phòng kép đảm bảo nguồn điện luôn ổn định và hệ thống tùy chỉnh DCIM được sử dụng để vận hành, giám sát tự động nhằm hạn chế các sai sót từ con người, nhanh chóng phát hiện và sửa lỗi kỹ thuật.

Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp như Viettel, VNPT, MobiFone… đã đầu tư trung tâm dữ liệu ở nhiều tỉnh, thành. MobiFone đã đầu tư 4 trung tâm dữ liệu tại TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng, TPHCM và tỉnh Đồng Nai. MobiFone đặt mục tiêu sở hữu 7 trung tâm dữ liệu mới vào năm 2025 và mở rộng quy mô các trung tâm dữ liệu hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của khách hàng tổ chức, doanh nghiệp.

Tiềm năng còn lớn

Cả nước hiện có 33 trung tâm dữ liệu do 48 nhà cung cấp dịch vụ vận hành, với tổng công suất ước tính khoảng 80MW - tính đến quý 1-2024. Các cụm trung tâm dữ liệu chính là ở Hà Nội và TPHCM. Thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đã tạo ra doanh thu 685 triệu USD năm 2023 và dự kiến sẽ tăng lên 1,44 tỷ USD vào năm 2029, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 13,1%.

Trung tâm dữ liệu ngày càng được đầu tư lớn vì nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử của nước ngoài đặt máy chủ tại Việt Nam nhằm đáp ứng quy định cũng như lượng khách hàng đang tăng tại đây.

Nghị định 53/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam phải lưu trữ thông tin, dữ liệu người dùng Việt Nam trong nước. Làn sóng đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài cũng dẫn tới nhu cầu về lưu trữ và xử lý dữ liệu của các tập đoàn đa quốc gia.

Theo báo cáo mới nhất từ Công ty TNHH Viettel - CHT (Viettel IDC), trên toàn cầu, thị trường Data Center có quy mô khoảng 321 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình 7,3%/năm. Châu Á - Thái Bình Dương là một trong những khu vực có thị trường trung tâm dữ liệu năng động, tốc độ tăng trưởng 19%/năm tới năm 2028. Dự báo quy mô thị trường này tại Việt Nam đến năm 2030 đạt 1,266 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 10,8%/năm.

Tuy nhiên, theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Tập đoàn Cushman & Wakefield, thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn sơ khai với tốc độ phát triển khiêm tốn. Với chi phí xây dựng và giá đất cạnh tranh, vị trí địa lý đắc địa, Việt Nam là thị trường mới nổi luôn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư. Điều này khá tương đồng với thống kê của các tổ chức quốc tế khi nhận định thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam vẫn còn nhỏ so với các nước Đông Nam Á như Singapore và Malaysia.

Lãnh đạo Bộ TT-TT nhận định, thời gian tới, nhu cầu về trung tâm dữ liệu tiếp tục tăng cao. Việc doanh nghiệp Việt Nam đầu tư mạnh vào các trung tâm dữ liệu khẳng định quan điểm dữ liệu Việt Nam là tài nguyên, tài sản của Việt Nam thì phải được lưu trữ và xử lý tại Việt Nam hoặc dưới sự cho phép của Việt Nam. Điều này còn cho thấy chủ quyền số quốc gia liên quan mật thiết đến hạ tầng số Việt Nam, bởi hạ tầng số không chỉ là hạ tầng của thông tin liên lạc, mà còn là hạ tầng của nền kinh tế số, thúc đẩy chuyển đổi số.

Tin cùng chuyên mục