Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, cho biết, những ngày qua, nhiều gia đình nông dân các huyện ngoại thành lo lắng trước dự thảo bảng giá đất tăng cao. Bà con muốn xây dựng nhà ở phải chuyển mục đích, nhưng giá chuyển mục đích theo dự thảo cao hơn nhiều so với kinh phí xây dựng nhà. Người dân rất mong lãnh đạo TPHCM xem xét có lộ trình điều chỉnh bảng giá đất, tạo điều kiện hỗ trợ hội viên nông dân.
Ông Dương Văn Duyên, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Củ Chi, cho hay, vào ngày 2-8, Ban Thường vụ Huyện ủy đã họp khẩn, sau đó có công văn gửi Thành ủy TPHCM, Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM, Sở TN-MT TPHCM kiến nghị tạm thời dừng, không áp dụng dự thảo bảng giá đất mới trên địa bàn huyện Củ Chi; thực hiện việc rà soát, đánh giá tác động của bảng giá đất mới và lấy ý kiến người dân. TPHCM nên có hướng dẫn cụ thể, bởi trong lúc thành phố chưa có bảng giá đất mới mà cơ quan chức năng ngưng, không giải quyết hồ sơ nhà đất cho người dân theo bảng giá đất cũ, dẫn tới người dân chưa biết sẽ phải làm gì nếu muốn sửa chữa, xây dựng nhà cửa. Từ ngày 1-8-2024 đến nay, Chi cục Thuế huyện Củ Chi đã nhận khoảng 500 hồ sơ, nhưng không dám áp dụng bảng giá đất cũ để giải quyết, trong khi bảng giá đất mới chưa ban hành chính thức.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng khẳng định về sự cần thiết ban hành bảng giá đất mới; đồng thời cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ tất cả ý kiến để hoàn thiện bảng giá đất điều chỉnh. Dự thảo bảng giá đất điều chỉnh là kết quả cập nhật 1.300 vị trí đất đã phê duyệt bồi thường tại các dự án và 97.000 giao dịch trong thời gian gần đây trên địa bàn TPHCM. Đơn vị tư vấn đã thu thập, tổng hợp, so sánh… để cho ra bảng giá đất điều chỉnh. Bảng giá đất này còn phải được Hội đồng Giá đất TPHCM thẩm định. Nếu không có bảng giá đất mới, TPHCM không có cơ sở tính nghĩa vụ tài chính, bởi áp dụng bảng giá đất cũ trong khi đã bỏ hệ số K thì sẽ không đảm bảo thu đúng cho ngân sách nhà nước.