Dân thương hồ nghe tiếng bìm bịp kêu là canh con nước để lui ghe cho kịp. Nội còn kể thêm, bìm bịp kêu nhiều khi chỗ đó có rắn, dân đi bắt cá, bắt còng nghe tiếng bìm bịp mà tránh ra, lỡ gặp rắn nước thì mấy ông lang vườn còn lấy nọc được, chứ mấy con rắn dữ khác là thấy ông bà ông vải luôn. “Con bìm bịp hay vậy hả nội, mà nó ở đâu, ai nuôi nó vậy nội?”. “Chim trời cá nước có ai nuôi đâu con. Tụi nó chắc làm ổ sống trong đám dừa nước ngoài biền. Nghe tiếng kêu phía ngoài biền vọng lại”.
Minh họa: K.T
Đám dừa nước cũng không biết có mặt từ khi nào, lớn lên đã thấy tụi nó xanh ngắt khắp miền quê, ven rạch, ngoài biền, ven sông, đâu đâu cũng thấy dừa nước xanh ngút ngàn… Những ngày còn vất vả, thiếu thốn, cả một làng quê nhìn đâu cũng nhà tranh, vách lá. Mỗi buổi mặt trời ngả bóng, khói lam chiều còn vấn vương trên mái lá. Hiếm lắm mới thấy được vài ngôi nhà mái ngói, còn nhà chữ Đinh gỗ mun, mái lợp ngói đỏ thì hẳn phải là nhà giàu có, khá giả lắm.
Ở nhà lá thì chủ yếu bỏ công ra làm, chứ không tốn kém nhiều. Đám dừa nước ngoài biền lá tốt không bị sâu, chèo ghe ra đó mà đốn, đem về phơi nắng, rọc lá làm đôi rồi lợp mái nhà, dựng vách. Cây để làm cột, làm kèo dựng nhà thì mua tre, hoặc có tiền hơn chút thì bạch đàn, khuynh diệp cho chắc. Nhà tranh, vách lá… vậy cũng xong, có chỗ mà che nắng, che mưa, để lo mần ăn.
Kể cũng lạ cái cây dừa nước, sống kiểu trời sanh trời nuôi, có ai chăm sóc gì đâu, nhưng cứ hiên ngang mà lớn lên cùng mấy cây bần, cây đước, cây vẹt, cây mắm… Nước mặn, nước lợ hay phèn cũng sinh trưởng dễ dàng. Cũng không ai thấy được cái thân cây dừa nước lớn, bé hay tròn, méo ra sao, bởi thân dừa nước mọc ngang trong lòng đất, chỉ có lá và cuống hoa mọc trồi lên trên, kết tụ những tinh túy, chắt lọc từ lòng đất sinh ra những buồng trái ngọt mát lành, món quà quê của miền thôn dã, mà tuổi thơ nhiều người hẳn có lúc ăn đến no cành hông.
Cũng không biết phải diễn tả trái dừa nước hình dạng thế nào cho chính xác. Nhiều người nói nhìn qua thấy giống trái thông khô. Trái dừa nước cũng mọc thành buồng sai trĩu như dừa cạn nhưng cách kết trái dừa nước khá độc đáo, từng trái kết chặt lại với nhau, ghép thành hình cầu, gọi là quài dừa. Một quài dừa phải có đến hàng trăm trái dừa nước, mỗi trái lớn hơn trứng vịt một chút, màu nâu sẫm như gỗ.
Mang tiếng là dừa nước vậy mà trong ruột không có nước, chỉ có cơm dừa màu trắng đục. Dừa nước ngon cơm vừa ăn thì cơm dừa phải mềm dẻo, chứa lượng nước vừa phải hơi sệt sệt, vị ngọt nhẹ, bùi bùi. Dân miệt vườn có kinh nghiệm, chỉ cần nhìn qua quài dừa là biết đã đốn được hay chưa, quài dừa cúi xuống nghĩa là trong ruột đã có cơm dừa, đến độ vừa ăn. Dừa còn non thì cơm mỏng, nhão, ăn không có “sướng” miệng. Còn nếu dừa già quá thì cứng ngắc, nhai trẹo cả quai hàm mà hông có mùi vị gì. Cơm dừa tách ra ăn liền cũng được, siêng hơn thì bỏ vào ly cho thêm chút đường, nước đá, có ngay ly dừa nước vừa ngọt vừa mát không thua kém gì trái thốt nốt miệt Bảy Núi (An Giang).
Nước cạn dưới chỗ đám dừa nước là nơi trú ẩn của ốc len, cá bống ở dưới dừa nên kêu bằng cá bống dừa. Ai giỏi thì tranh thủ nước cạn lội xuống dừa mà kiếm mớ, dư dả thì đem ra chợ bán, còn không cũng đủ bữa cơm chiều với nồi cá bống dừa kho tiêu. Dân nhậu thì kiếm chừng đủ dĩa ốc len xào dừa là cả thảy bốn, năm ông ngồi lai rai với nhau mấy xị đế.
Tụi nhỏ tập lội thì chặt cái bập dừa, bám vào đó mà tập đạp nước. Chiều chiều, khi bìm bịp kêu nước lớn đầy sông, đứa lớn tập đứa nhỏ, ôm cái bập dừa mà vùng vẫy, khuấy động cả một khúc sông quê. Bập dừa không tập lội thì chẻ lấy vỏ ngoài phơi hai, ba nắng cho héo héo rồi chẻ nhỏ thành từng sợi làm lạt dừa, tới mùa để dành bó mạ, bó lúa...
Rồi làng quê thay da đổi thịt, đám ruộng bị san phẳng để xây nhà máy, xí nghiệp… kênh, rạch bị lấp, đám dừa nước cứ thưa thớt dần. Con bìm bịp cũng di trú đi mất từ lâu, không còn nghe tiếng “bịp! bịp”… Có thèm ốc len, con cá bống dừa thì ra chợ mà mua, đám dừa đâu còn để lội ra mà bắt. Gió chiều vẫn thổi lồng lộng trên sân thượng, ban công nhà… nhưng không còn nghe tiếng lá dừa nước lao xao trong gió nữa.
Nhà tường, vừa cao vừa rộng, tiện nghi đủ đầy, khói lam chiều cũng đâu còn nữa mà vấn vương. Nhưng sao chiều nay vẫn thấy mắt cay xè, chợt nhớ một miền thôn dã xa xăm dưới những hàng dừa nước xanh xanh.