Biến bãi rác thành vườn hoa
Nhà cô Thủy sống gần vườn hoa mới được tạo dựng hơn 1 năm nay, trong một con hẻm thuộc đường Phạm Thế Hiển. Hơn 10 năm sống chung với bãi rác, cô kể lại với nỗi ám ảnh: “Xưa, khu này dơ và hôi dữ lắm con ơi! Rác đâu mà người ta đổ liên tục, đổ lén hay đổ công khai gì cũng có mà đâu dám la, cứ mạnh ai nấy đổ. Muốn đi vào nhà kiểu gì cũng phải đi qua bãi rác, nước chảy lênh láng…”.
Ấy vậy mà, cái bãi rác kinh khủng hơn 10 năm đó, giờ đã là một vườn hoa xanh mát. Phá được cái bãi rác để làm công viên là một kỳ tích. “Giờ thành vườn hoa, công viên luôn rồi nha. Có camera bên phường lắp nữa nên ai đổ là bị dân người ta la lên đó. Con cứ lại đây giấc chiều, con nít đi học về chơi tung tăng trong vườn nhìn thấy cưng gì đâu…”, cô Thủy hồ hởi kể.
Kể với chúng tôi về vườn hoa, về cái “công viên nhỏ” mà cả khu phố chung tay, chú Phạm Văn Xuyên (60 tuổi, trưởng ban công tác mặt trận khu phố 5) cho biết, khu vực mấy trăm mét vuông này trước đây là bãi rác tự phát rất lớn, chính quyền nhiều lần dọn dẹp nhưng không được.
“Nhờ công sức của một số đơn vị tài trợ ra sức san ủi dọn dẹp bãi rác và ủng hộ cây trồng, mới cải tạo thành vườn hoa. Đất ở đây chủ yếu là sỏi đá, may quá trồng cây vẫn sống được. May mà do quyết tâm của khu phố và bà con nên khu vườn giữ gìn được đến giờ, nay hơn 1 năm. Chỉ có cách làm đẹp lên, người ta mới không dám vứt rác. Cũng đã có vài trường hợp người ta vứt rác, bị phản ánh qua camera và phải ra dọn nên bây giờ họ bỏ luôn thói quen này”, chú Xuyên kể.
Thêm những không gian sinh hoạt cộng đồng
Cũng như khu phố 5, khu phố 7 (phường 3, quận 8) có rất nhiều ngõ hẻm được trang trí những mảng xanh dài khắp hẻm. Ai có đi ngang hẻm 63, gồm 2 hẻm nhỏ nối cùng hẻm 75, cũng phải xuýt xoa: “Hẻm gì mà xanh mướt”. Đi từ đầu hẻm tới cuối hẻm không hề thấy rác, vừa có tranh vẽ vừa có nhiều cây xanh, hoa cỏ trang trí hai bên tường, trước nhà dân.
“Mấy cái cây xanh này là bà con khu phố tự làm đó. Ở nhà buồn quá nên mấy chị em cùng làm, thấy đẹp quá rồi ráng phát huy. Mình chủ động tận dụng nhựa tái chế, thêm cây xanh làm những bình hoa để trước nhà. Lúc đầu, 1-2 nhà trang trí mảng xanh, sau ai cũng thấy đẹp người ta cũng làm theo”, chị Sương, người dân sống ở hẻm 63, nói.
Cô Võ Thị Hồng Cúc, Trưởng ban điều hành khu phố 7, rất tự hào về các con hẻm khu phố mình: “Ai tới đây cũng khen, cái hẻm gì đẹp quá chừng vậy. Cô bác ở đây người ta ý thức lắm, bởi ai cũng hiểu hẻm đẹp, nâng tầm ngôi nhà mình lên, tạo mỹ quan hẻm phố, thấy được giá trị của con đường. Ngày chủ nhật, mọi người còn tập trung 15 phút để dọn dẹp khu phố sạch đẹp. Hẻm này hồi trước làm gì được vậy đâu, ẩm thấp lắm. Nhờ có Nhà nước và người dân cùng làm mới xanh, sạch được vậy”.
Những ngày tết, đi ngang khu phố 6 (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) ai cũng phải trầm trồ bởi khá nhiều con hẻm được trang trí “Góc phố ngày tết năm 2021”. Mỗi góc phố mang một màu sắc riêng biệt, thể hiện sắc xuân rực rỡ đang tràn về. Bên cạnh những hoa mai, hoa đào… là mảng xanh ngay tại con hẻm.
Mô hình “Khu phố xanh” ở khu phố 6 được thực hiện từ tháng 7 năm vừa rồi, đến nay các hẻm trở thành niềm vui, niềm tự hào của bà con. “Khu phố 6 có 4 điểm tập trung mảng xanh, chủ yếu là đầu các con hẻm. Các bức tường trong hẻm trước đây chỉ là những bức tường bong tróc, có khi còn bị dán tờ rơi, nhưng giờ cây xanh đặt vào khang trang, sạch sẽ quá chừng. Thấy cây héo, bà con còn chủ động thay cây mới chứ không để trống. Vừa rồi, bên khu phố trao 31 phần quà cho người nghèo đón tết ngay tại đây”, cô Trần Thị Hạnh (61 tuổi, Phó ban điều hành khu phố 6) chia sẻ.
Những góc phố xanh, văn hóa đang làm đẹp thêm không gian công cộng, từ sự chung tay của người dân TPHCM.