Ngoại giao khí hậu
Theo BBC, ông John Kerry, đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Mỹ, sau cuộc gặp với Thủ tướng Boris Johnson và các nhân vật cấp cao khác của Anh tại London đã ra tuyên bố kêu gọi các nước gây ô nhiễm hàng đầu thế giới cần giảm xả thải carbon ngay lập tức. Hãng BBC bình luận, chuyến ngoại giao khí hậu của ông John Kerry sẽ tạo đà cho 2 hội nghị về khí hậu trong năm nay, một ở Mỹ vào tháng 4 và một là Hội nghị về biến đổi khí hậu của LHQ (COP 26) tại Scotland, Anh, vào tháng 11.
Để thực hiện các cam kết về chống biến đổi khí hậu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có một loạt động thái đưa nước Mỹ trở lại quỹ đạo chung của toàn cầu. Ông Biden đã ký các sắc lệnh hành pháp nhằm giảm khai thác và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, thay vào đó là các chính sách hướng tới năng lượng tái tạo. Ông cũng cam kết đến năm 2030 tăng gấp 2 lần sản lượng điện gió ngoài khơi. Các sắc lệnh còn đề cập kế hoạch đầu tư hạ tầng cơ sở trị giá gần 2.000 tỷ USD, coi đây là nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiến tạo hàng triệu việc làm trong tương lai.
Nhiều quốc gia và tổ chức bày tỏ mong muốn hợp tác với Mỹ để thúc đẩy lộ trình thực hiện các mục tiêu khí hậu. Chính phủ Nhật Bản tuyên bố muốn cùng với Mỹ tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ tiên tiến ít gây ô nhiễm, thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường và thúc đẩy việc hợp tác, hướng tới thực hiện giảm khí thải carbon trong nhóm các nước ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nga hy vọng tăng cường hợp tác với Mỹ trong khuôn khổ Hội đồng Bắc cực. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng đề nghị Trung Quốc và Mỹ hợp tác hành động vì khí hậu…
Cơ hội chứng minh
Theo trang Eco-business, COP 26 thu hút đông đảo giới hoạch định chính sách của thế giới. Đối với Thủ tướng Anh Boris Johnson, đây là cơ hội lớn để chứng minh vai trò của một nước Anh toàn cầu hậu Brexit. Còn với Tổng thống Mỹ Joe Biden, đây là một thử nghiệm ban đầu về khả năng của chính phủ ông trong việc duy trì những lời hứa về khí hậu, cả trong và ngoài nước.
Bốn năm sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Khí hậu Paris, chính phủ của ông Joe Biden hiện đã đưa nước này trở lại. Nhưng việc thực hiện kế hoạch đạt được mục tiêu giảm carbon bằng 0 đặt ra thách thức lớn trong bối cảnh Mỹ vừa đề ra mục tiêu giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (so với mức năm 2005).
Với vai trò chủ nhà của COP 26 và Chủ tịch G7 hiện tại, Anh sẽ thực hiện công cuộc điều tiết khí hậu toàn cầu. Với các quốc gia chủ chốt đã cam kết về lượng xả thải carbon, ưu tiên hàng đầu của COP 26 là hỗ trợ cho các nước đang phát triển. Nhiều chính phủ trong số này mong muốn nắm lấy một nền kinh tế xanh, nhưng họ phải đối mặt với những trở ngại ngày càng lớn như gánh nặng nợ không bền vững. Do đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh, cần có kế hoạch xóa nợ toàn cầu và thiết lập gói tài chính khí hậu trước thềm COP 26. Khi các nước cập nhật kế hoạch khí hậu quốc gia của họ trong năm nay, họ rất cần các nguồn lực để đáp ứng những cam kết đó. Việc các cường quốc toàn cầu không cung cấp một gói tài chính đáng kể, trong khi vẫn khăng khăng loại bỏ dần cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch, sẽ chỉ làm tăng thêm căng thẳng giữa các nước phát triển và đang phát triển.
Tài liệu Hướng dẫn chiến lược trung hạn về an ninh quốc gia công bố trên trang web của Nhà Trắng cho biết, Mỹ sẽ hỗ trợ các nước khác giảm thiểu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu và hỗ trợ nhân đạo cho những đối tượng bị ảnh hưởng do thiên tai. |