Xanh hóa sản xuất

Thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 của Chính phủ, hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) đã và đang đẩy mạnh các hoạt động phát triển xanh, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn... để thực hiện giảm phát thải khí nhà kính (KNK).
Dự án canh tác cà phê bền vững của Nestlé Việt Nam ở khu vực Tây Nguyên
Dự án canh tác cà phê bền vững của Nestlé Việt Nam ở khu vực Tây Nguyên

Giảm phát thải với dự án xanh

Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông, Công ty Nestlé Việt Nam, chia sẻ, để đạt được các bước tiến trong việc thực hiện cam kết Net Zero, Nestlé tập trung vào thượng nguồn chuỗi giá trị, với 2 cách tiếp cận chiến lược bao gồm thúc đẩy nông nghiệp tái sinh và bảo tồn, tái tạo rừng.

Bên cạnh đó, công ty tiếp tục thực hiện sáng kiến và chương trình giảm phát thải trong sản xuất. Trong mô hình nông nghiệp tái sinh, Nestlé tập trung vào việc phục hồi đa dạng sinh học, cải thiện chất lượng đất trồng, bảo tồn nguồn nước...

Tại Việt Nam, phương thức nông nghiệp tái sinh được chia sẻ đến người dân trồng cà phê trong khuôn khổ Nescafé Plan ở khu vực Tây Nguyên từ năm 2011. Đến nay, dự án đã hỗ trợ 16.000 hộ canh tác cà phê bền vững, giúp các nông hộ giảm 40-60% lượng nước tưới, giảm 20% lượng phân bón hóa học. Đặc biệt, Nestlé Việt Nam đang phối hợp với đối tác xây dựng và phát triển công cụ đo lường và kiểm soát phát thải KNK cho người nông dân trong canh tác cà phê.

Nhằm bảo tồn rừng, Nestlé tập trung vào 3 nỗ lực chính: nguồn cung không gây mất rừng, bảo tồn, tái tạo rừng và cảnh quan bền vững. Tập đoàn Nestlé đặt mục tiêu trồng 200 triệu cây rừng trên toàn cầu đến năm 2030 nhằm góp phần phục hồi rừng và hệ sinh thái tự nhiên.

Tại Việt Nam, tháng 6 vừa qua, Nestlé đã khởi động dự án “Canh tác cà phê bền vững theo mô hình nông lâm kết hợp” tại các tỉnh Tây Nguyên, hướng đến mục tiêu trồng hơn 2,3 triệu cây cà phê đến năm 2027. Dự án vừa giúp tạo thêm thu nhập cho nông dân, vừa hỗ trợ cải thiện điều kiện canh tác cà phê, dự kiến hấp thu và lưu trữ hơn 480.000 tấn CO2. Đối với hoạt động sản xuất, từ năm 2015, tất cả nhà máy Nestlé Việt Nam đã đạt mục tiêu “không rác thải chôn lấp ra môi trường” nhờ áp dụng nhiều giải pháp và mô hình kinh tế tuần hoàn.

Đại diện Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng cho biết, quản lý phát thải KNK, góp phần giảm thải carbon là một trong các khía cạnh phát triển bền vững trọng tâm được Vinamilk tích cực triển khai. Đơn cử hiện nay, 13 trang trại, 10 nhà máy của Vinamilk đã được lắp đặt hoàn thiện năng lượng mặt trời, song song đó, đẩy mạnh các năng lượng xanh như Biomass tại nhà máy, Biogas tại trang trại. Vinamilk cũng đầu tư mạnh để xây dựng mô hình trang trại bò sữa như Green Farm định hướng theo nông nghiệp bền vững. Các nhà máy đều được chuyển đổi mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ cao, vận dụng kinh tế tuần hoàn từ rất sớm để giảm phát thải.

Để chuẩn bị cho tương lai, từ năm 2012, Vinamilk đã triển khai Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam, hoàn thành trồng hơn 1 triệu cây vào cuối năm 2020. Năm 2023, công ty tiếp tục phối hợp Bộ TN-MT triển khai hoạt động trồng cây để trung hòa carbon hướng đến Net Zezo trong giai đoạn 2023-2027 và nhiều dự án trồng cây khác. Vinamilk cũng đặt mục tiêu sẽ cắt giảm 15% lượng phát thải KNK vào năm 2027, cắt giảm và trung hòa 55% lượng phát thải vào năm 2035 và tiến đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 năm 2050.

Doanh nghiệp cần được hỗ trợ

Một số ý kiến DN cho rằng, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng giảm thải carbon không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu, từ các chính sách, quy định pháp lý của chính phủ đến tiêu chuẩn quốc tế đối với hàng hóa xuất khẩu... Tuy vậy, với nguồn lực hữu hạn, rất nhiều DN đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trên hành trình theo đuổi mục tiêu Net Zero.

Trong bối cảnh đó, DN cần được tiếp thêm động lực và sự đồng hành mạnh mẽ hơn từ các cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các nút thắt về chính sách, tạo cầu nối với người tiêu dùng. Theo ông Phạm Hoàng Hải, phụ trách quan hệ đối tác, Ban thư ký, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, vai trò của DN trong thực hiện kinh tế tuần hoàn là thay đổi cách thức, tạo ra sản phẩm, kiến tạo thị trường và kiến nghị chính sách.

Tuy nhiên, DN gặp khó khăn trong quá trình kết nối với khách hàng là DN khác; bất cập trong quy định pháp lý liên quan quản lý chất thải, tái sản xuất và kiểm định chất lượng sản phẩm... Vì thế, cần hoàn thiện pháp lý hỗ trợ DN trong thiết kế hệ sinh thái; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất với quản lý chất thải và vật liệu thứ cấp; về chính sách thuế, ưu đãi tài chính.

Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, DN đóng vai trò rất quan trọng trong thực hiện mục tiêu Net Zero thông qua các giải pháp phát triển xanh, phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng đủ tiềm lực để triển khai các giải pháp này. Do vậy, để cộng đồng DN tham gia, triển khai mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp giảm KNK, các cơ quan quản lý cần có cơ chế hỗ trợ cụ thể cho DN, chẳng hạn như nguồn vốn, hỗ trợ chuyển đổi công nghệ xanh, ưu đãi về giá thuê đất, mặt bằng...

Tin cùng chuyên mục