"Xanh hóa" sản xuất là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng

Ngày 26-6, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp và các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn kinh doanh 2024 với chủ đề “Đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp”.

"Xanh hóa" sản xuất là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng

Với xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam trở thành một trong những điểm đến sản xuất của nhiều tập đoàn toàn cầu, việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất là cần thiết với doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, năng lực tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang gặp phải nhiều thách thức như hạn chế nguồn vốn, quy mô, năng lực, trình độ. Trong bối cảnh đó, đổi mới sáng tạo được xem là “chìa khóa” để các doanh nghiệp trong nước tham gia vào các chuỗi cung ứng.

IMG_20240626_164501.jpg

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), xu hướng những năm gần đây, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn ứng dụng công nghệ hiện đại ngày càng cao. Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2021-2023, 63% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ ở mức độ trung bình. Trong những năm tới, 94% doanh nghiệp FDI dự định áp dụng công nghệ từ thấp đến rất cao. Do đó, khi tìm kiếm đối tác ở Việt Nam, mức độ đổi mới sáng tạo và sử dụng công nghệ hiện đại luôn là yếu tố hàng đầu. Việc tham gia vào chuỗi cung ứng, liên kết để tạo ra những công nghệ và giải pháp mới, chất lượng cao là cơ hội tốt giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng, mở rộng và phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, khai thác tốt hơn lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Trong khi đó, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Trường Đại học RMIT cho rằng, “xanh hóa” trong sản xuất là chìa khóa để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng. “Yêu cầu tiêu dùng xanh của khách hàng đang thúc đẩy các nhà sản xuất và nhà cung cấp áp dụng các tiêu chuẩn mới và điều chỉnh hoạt động. Khách hàng, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển, ngày càng có ý thức hơn về tác động môi trường trong các quyết định mua hàng”, TS Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Cũng theo ông Hùng, tại Việt Nam, theo khảo sát của Rakuten Insight năm 2023, có đến 84% người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm bền vững. Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, điển hình có Liên minh châu Âu đang triển khai các quy định và tiêu chuẩn môi trường chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm và dịch vụ nhập khẩu vào khu vực này.

“Xanh hóa không còn là một lựa chọn mà là yếu tố thắng đơn hàng khi xuất khẩu. Xét trên góc độ chuỗi cung ứng, người mua đóng vai trò rất quan trọng trong việc giám sát và hợp tác để thúc đẩy xanh hóa. Họ là những chủ thể dẫn dắt chuỗi cung ứng và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh để đảm bảo sản phẩm/dịch vụ cuối cùng phù hợp với nhu cầu thị trường”, TS Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, Việt Nam hiện nay có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện. Trong đó, chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ, yếu tố “xanh” trong sản xuất, cũng như thương mại điện tử vẫn chưa được tận dụng triệt để, khiến các mô hình kinh doanh xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận chậm với thị trường tiêu thụ, quá trình thông thương hàng hóa chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu.

Thời gian qua, mặc dù chuỗi cung ứng đã dần được tái cấu trúc, nhưng thực tế đa số các doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam còn nhỏ lẻ, chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị.

Tin cùng chuyên mục