Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, bà Cao Xuân Thu Vân cho rằng, xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội. Bà kêu gọi thúc đẩy áp dụng các tiêu chuẩn mới để phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu dùng xanh.
Bà Cao Xuân Thu Vân cũng cho rằng, xu hướng tiêu dùng nông sản xanh và sạch đang tạo ra yêu cầu cao hơn đối với chuỗi giá trị nông sản. Do đó, cần thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ, áp dụng tiêu chuẩn mới để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng, dù xuất khẩu nông sản nhiều, nông dân vẫn chưa nhận được lợi ích xứng đáng. Ông đề xuất tăng cường xuất khẩu 10 loại nông sản chủ lực, cải thiện quy trình sản xuất bền vững và minh bạch trong truy xuất nguồn gốc.
Ông Thủy cũng khuyến nghị triển khai nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu nuôi sang Trung Quốc cùng với việc phát triển cơ sở hạ tầng logistics và vận chuyển.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định vai trò quan trọng của nông nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam; đồng thời chỉ ra các thách thức như cơ cấu sản xuất chưa hợp lý, năng suất và chất lượng nông sản chưa cao, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Ngành nông nghiệp cần được cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao và mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong nước và quốc tế.
“Chúng ta cần tập trung vào các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nói.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của chuỗi giá trị nông sản.
Các công nghệ mới như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tự động hóa trong sản xuất và quản lý nông nghiệp sẽ giúp tăng năng suất, giảm chi phí và bảo vệ môi trường.