Cộng đồng chung tay
Tuổi đã ngoài 70, thế nhưng cô Lê Thị Thọ, tổ trưởng tổ 40, khu phố 4, phường An Khánh (TP Thủ Đức, TPHCM) vẫn rất nhiệt huyết với phong trào bảo vệ môi trường trong khu phố. Cứ lúc nào rảnh là cô lại đi khắp tuyến hẻm xem vệ sinh môi trường có sạch không, hộ dân nào bỏ rác chưa gọn gàng, không đúng nơi quy định thì nhắc nhở. Có những lần khu phố tổ chức ngày “Chủ nhật xanh”, cô Thọ đã kêu gọi mọi người trong tổ dân phố cùng chung tay dọn dẹp vệ sinh và tự mình bỏ tiền túi để thuê xe vận chuyển rác, xà bần chở đến điểm trung chuyển đúng quy định.
Cô Thọ chia sẻ, mọi người làm sạch, xanh khu vực chỗ mình ở, cái lợi là vừa bảo vệ được sức khỏe cho bản thân mỗi thành viên trong gia đình mình, vừa góp phần làm xanh, sạch cả khu dân cư, và xa hơn nữa là cả thành phố sẽ đẹp hơn. “Thấy hẻm được xanh, sạch, thoáng mát, mọi người trong tổ dân phố từ đó cũng nâng cao trách nhiệm của mình hơn trong việc bảo vệ môi trường, ai cũng tự ý thức trách nhiệm phải cố gắng làm cho khu mình sống ngày càng xanh, sạch hơn”, cô Thọ nói.
Hẻm 153, khu phố 6, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 được trồng rất nhiều cây xanh |
Ghi nhận của PV Báo SGGP, hiện nay trên địa bàn TPHCM có rất nhiều khu phố đã và đang thực hiện phong trào xanh hóa khu vực sinh sống. Chính sự ý thức, tự giác, chủ động của người dân đang góp phần lớn thay đổi môi trường sống hàng ngày của từng địa bàn dân cư. Ông Lê Phước Minh, tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố (hẻm 153, khu phố 6, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TPHCM) cho biết, triển khai phong trào bảo vệ môi trường do thành phố phát động, người dân trong hẻm đã rất tích cực hưởng ứng tham gia với nhiều hoạt động thiết thực như dọn vệ sinh mỗi buổi sáng, tăng cường mảng xanh, thực hiện đổi rác lấy các thực phẩm (vật dụng, dầu ăn, bột giặt…). Gần 6 năm qua, hẻm 153 được mọi người gọi với cái tên thân thương “con đường xanh”, bởi tuyến đường này đã được phủ xanh bằng rất nhiều chậu hoa được tận dụng thiết kế từ các vỏ chai nhựa, thùng nhựa.
Theo Ban công tác Mặt trận khu phố 4, phường 9, quận 3, TPHCM, để bảo vệ môi trường sống trong lành cho người dân, khu phố đã thực hiện duy trì phong trào “Mỗi tuần 15 phút vì đường phố văn minh sạch đẹp”; phát động mô hình “Phủ xanh tuyến hẻm”… Những hoạt động này đã thu hút được nhiều người dân nhiệt tình tham gia. Tương tự, đại diện Ban công tác Mặt trận khu phố 6, phường 13, quận Tân Bình, TPHCM cũng chia sẻ, một thực trạng nhức nhối hiện nay là người dân nhiều khu vực đang sống chung với rác thải, từ rác sinh hoạt, rác trong sản xuất nông nghiệp đến rác sản xuất công nghiệp. Rác thải bừa bãi vừa bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường, làm tắc nghẽn dòng chảy, vừa mất mỹ quan đô thị. Để bảo vệ môi trường, nhiều khu dân cư, khu phố đã triển khai các phong trào như “ Cho tôi pin cũ”, “Vườn nhà xanh”, “Không gian xanh”, “15 phút chủ nhật xanh”… đã mang lại hiệu quả tích cực.
Nhiều lợi ích
Theo lãnh đạo nhiều địa phương, việc xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng, dựa vào khu dân cư góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân theo hướng tích cực. Đồng thời, phát huy trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, năng lực tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ mặt trận cơ sở và ban công tác mặt trận ở khu dân cư. Mô hình bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng chắc chắn sẽ còn xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo được hình thành qua việc gắn kết chặt chẽ giữa chi bộ, ban công tác mặt trận với tổ dân phố và các chi hội đoàn thể. Sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của chính cộng đồng.
Dưới góc nhìn của chuyên gia, PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho rằng, mô hình bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng là một mô hình hay. Ở đây, người dân được chủ động bàn bạc, lên kế hoạch triển khai và có trách nhiệm duy trì mô hình. Sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường không chỉ tạo thêm nguồn lực tại chỗ mà còn là lực lượng đóng góp, cung cấp thông tin, giám sát môi trường nhanh và hiệu quả, giúp giải quyết kịp thời các vấn đề môi trường ngay từ khi mới xuất hiện, nhất là các sự cố liên quan trực tiếp đến số đông dân cư, đến cuộc sống của cộng đồng như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước… Cũng theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, triển khai những mô này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân, cho môi trường và cho xã hội. Lợi ích dễ thấy nhất là môi trường của người dân không bị ô nhiễm, hạn chế phát sinh dịch bệnh. Về mặt kinh tế, nếu địa phương nào làm tốt, làm hay có thể thu hút được khách du lịch đến tham quan, địa phương sẽ có thêm nguồn thu từ việc cung cấp các dịch vụ đi kèm.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, nhìn nhận, bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng dân cư là một trong những mô hình hay, sáng tạo mang lại nhiều kết quả tích cực. Với mục đích góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và trách nhiệm của mỗi người dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường, TPHCM đã triển khai nhiều mô hình quản lý, bảo vệ môi trường dựa vào tổ dân phố ở các khu dân cư. Với việc phát huy vai trò của cộng đồng dân cư, cơ quan chức năng từ thành phố đến cấp huyện, xã sẽ dễ dàng nắm bắt thông tin để xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường hơn. Những kết quả đạt được trong việc xây dựng khu phố xanh, sạch ở các khu dân cư sẽ là động lực để thành phố tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình để hướng tới xây dựng thành phố xanh, sạch, thân thiện với môi trường.