Cấp bách bảo vệ môi trường sống
Để đảm bảo môi trường sống đang bị đe dọa bởi rác thải nhựa, cũng như ô nhiễm môi trường từ rác thải sản xuất, sinh hoạt hàng ngày, dự thảo Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP) giai đoạn 2021-2030 do Bộ Công thương xây dựng đã được trình lên Chính phủ. Theo dự thảo này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra chính là xanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ thân thiện với môi trường.
Liên quan đến việc xanh hóa hệ thống kênh phân phối, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Công thương đã phê duyệt thực hiện việc nghiên cứu đề xuất chính sách phát triển các kênh phân phối sản phẩm thân thiện môi trường (tập trung nghiên cứu kênh phân phối sản phẩm điện gia dụng, sản phẩm sử dụng năng lượng).
Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá và cấp chứng nhận hệ thống phân phối bán lẻ xanh (tại Quyết định số 2308/QĐ-BCT ngày 8-6-2016 của Bộ trưởng Bộ Công thương), thực hiện chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Đặc biệt, Bộ Công thương còn thực hiện “Sổ tay hướng dẫn công tác quản lý môi trường trong các cơ sở phân phối hàng hóa”, nhằm tổng quan các vấn đề môi trường trong hoạt động của hệ thống phân phối và tổ chức quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; quản lý và bảo vệ môi trường trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng đối với hệ thống phân phối; quản lý và bảo vệ môi trường trong giai đoạn triển khai xây dựng đối với hệ thống phân phối; quản lý và bảo vệ môi trường trong giai đoạn vận hành đối với hệ thống phân phối...
Kênh phân phối chủ động vào cuộc
Trên thực tế, trước mối lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường với lượng rác thải nhựa tăng cao, đã từ nhiều năm nay, các kênh phân phối lớn như Saigon Co.op luôn tích cực triển khai các hoạt động thiết thực để bảo vệ môi trường. Như chia sẻ của lãnh đạo Saigon Co.op, do hoạt động theo mô hình kinh tế tập thể hợp tác xã nên tất cả mọi hoạt động của Saigon Co.op đều hướng đến lợi ích cộng đồng. Bên cạnh việc hàng hóa kinh doanh phải đảm bảo chất lượng, xuất xứ rõ ràng và giá cả hợp lý thì định hướng tiêu dùng có lợi cho môi trường sống cũng là mục tiêu quan trọng mà Saigon Co.op tập trung thực hiện. Theo đó, từ năm 2011, hệ thống siêu thị Co.opmart của Saigon Co.op đã mạnh dạn thay thế 100% túi nhựa bằng túi ni lông thân thiện với môi trường. Đến tháng 4-2019, nhận thấy nhiều ưu điểm từ việc dùng các nguyên vật liệu tự nhiên để bao gói thực phẩm, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.op Xtra, Co.op Food, Co.op Smiles của đơn vị đã thử nghiệm và từng bước nhân rộng việc gói các loại rau củ quả bằng lá chuối tươi. Đến tháng 5-2019, nhà bán lẻ này còn mạnh tay “quét sạch” ống hút nhựa tại các hệ thống bán lẻ của mình và chỉ kinh doanh ống hút giấy, ống hút thủy tinh, inox sử dụng nhiều lần.
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Thường trực Saigon Co.op, cho biết từ hơn 10 năm nay, Saigon Co.op đã chủ động đưa ra lộ trình phù hợp để từng bước giảm thiểu tối đa việc kinh doanh những sản phẩm không có lợi cho môi trường. Đánh giá của Saigon Co.op cho thấy, hiệu quả lớn nhất của những thay đổi trên là tạo nên xu hướng nhằm định hướng cho người tiêu dùng có thói quen sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Từ đó lan tỏa ý thức chung đến cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng các doanh nghiệp sản xuất.
Ngoài Saigon Co.op thì nhiều doanh nghiệp phân phối bán lẻ khác như Lotte Mart, BigC… cũng đã có những hành động cụ thể nhằm từng bước hình thành chuỗi phân phối, tiêu dùng xanh ở Việt Nam. Cụ thể là triển khai các hoạt động như gắn nhãn xanh; tiết kiệm năng lượng; hạn chế các chế phẩm có hại cho môi trường và tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường; xây dựng các mô hình cải thiện chuỗi cung ứng bền vững cũng như quản lý hiệu quả chất thải…
Có thể thấy, từ chính sách xuyên suốt của bộ ngành cho tới sự vào cuộc chủ động của nhà bán lẻ đã từng bước giúp hệ thống kênh phân phối được xanh hóa, từ đó góp phần bảo vệ môi trường sống tươi đẹp hơn.
Theo thống kê của Bộ Công thương, Việt Nam có trên 8.460 chợ trong quy hoạch, 1.007 siêu thị và trung tâm mua sắm, cùng hàng chục ngàn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi phân bố rộng khắp cả nước. Vì thế, xanh hóa hệ thống kênh phân phối sẽ góp phần thúc đẩy hình thành sản xuất - phân phối và tiêu dùng xanh ở Việt Nam. |