Để đạt được mục tiêu chung về biến đổi khí hậu và bắt kịp xu hướng toàn cầu, các chủ đầu tư, đơn vị quản lý, và người sử dụng cần hành động “xanh hóa” không gian xây dựng ngay từ bây giờ. Đầu tiên, đối với các dự án chưa thi công, nhà phát triển cần có những tính toán cẩn thận ngay từ giai đoạn tìm kiếm và lựa chọn nguyên vật liệu, cân nhắc lựa chọn thay thế các nguyên vật liệu an toàn và thân thiện với môi trường hơn.
Đồng thời, chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý dự án để cùng đưa ra những giải pháp bền vững kịp thời một khi tòa nhà đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng phải đặt ra nhiều tiêu chí về nguyên vật liệu xây dựng, khuyến khích các công trình sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên môi trường.
Theo Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), tính đến quý 3 năm 2021, số lượng tòa nhà sở hữu chứng nhận xanh tại Việt Nam là 201. Đây chưa phải là một con số lớn trên thị trường. Bởi vậy, nếu chủ đầu tư nắm bắt được khoảng trống này và xây dựng các dự án theo chuẩn bền vững, họ sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh và có khả năng sinh lời cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường.
Những tiêu chuẩn xanh này sẽ góp phần thúc đẩy quá trình thu hút khách thuê, đặc biệt các doanh nghiệp quốc tế. Đánh giá về vấn đề này, ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, khẳng định, bất động sản là lĩnh vực có những tác động mạnh mẽ nhất về khía cạnh môi trường trong nhóm các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG).
Mọi doanh nghiệp niêm yết tại thị trường Việt Nam ở bất kỳ sở giao dịch chứng khoán nào, dù là HNX hoặc HOSE, đều phải có báo cáo bắt buộc về ESG. Các tòa nhà cao tầng thường có lượng khí thải lớn, do đó hầu hết dự án phát triển gần đây đòi hỏi phải có chứng chỉ ESG hoặc đáp ứng các tiêu chuẩn của ESG. Vì vậy, bất kỳ dự án phát triển mới nào đều cần phải đáp ứng những chỉ tiêu và mức độ cần có của ESG để tăng tính cạnh tranh.