Càng về sau này, người ta càng chứng kiến những xu hướng đầy phi lý về sự tiết kiệm. Xu hướng sử dụng vải sợi tự nhiên, dùng sản phẩm tái chế, dùng nước tẩy rửa làm từ cây trái. Người trẻ, người giàu toàn mặc những bộ quần áo màu mộc, dễ nhăn, nhưng lại đắt gấp nhiều lần trang phục với vải tổng hợp. Hãng adidas tiêu thụ 5 triệu đôi giày từ nhựa biển tái chế hàng năm.
Trong khi, từ nguyên liệu đến quy trình sản xuất vải sợi tự nhiên, nhựa biển tái chế đều tốn kém hơn khi hạn chế sự trợ giúp của hóa chất. Người tiêu dùng phải chi trả nhiều hơn nhưng vòng đời của một sản phẩm tự nhiên luôn ngắn hơn. Dường như chẳng ai được lợi. Vậy sống xanh để làm gì?
Để tiết kiệm tài nguyên. Để bảo vệ trái đất. Đó là câu trả lời chung nhất. Động lực bảo vệ môi trường đã khuấy đảo quán tính tiêu dùng và tư duy sản xuất của nhân loại; đi ngược với hiểu biết phổ thông của con người về tiết kiệm, về sự tối ưu. Tiền của, thời gian không còn là trung tâm của tiết kiệm. Con người cũng rời bỏ vị trí trung tâm. Mục tiêu tối cao của sản xuất và dịch vụ không còn là thị hiếu, khoái lạc, nhu cầu hưởng thụ của con người, mà hướng đến sự cân bằng sinh thái. Ta chứng kiến “trái đất”, “tự nhiên”, “sinh thái”, “khí quyển” trở thành những thực thể sống động tham gia vào mọi câu chuyện cải tiến.
Tôi vẫn ấn tượng nụ cười hiền khô và có lúc ái ngại của Võ Quốc Lập (sáng lập cộng đồng Vườn thuốc nam, Dự án Tre Mỡ) khi nói về hành trình làm vườn rừng của anh và các cộng sự. Lập rất nổi tiếng trong cộng đồng sống xanh. Anh dành cả thanh xuân để tìm hiểu, xây dựng cộng đồng và thực chiến với việc làm vườn thuận tự nhiên, không hóa chất, hạn chế sự can thiệp, kích thích sức sống vốn dĩ của cây cối để có thể gặt hái hoa lợi mà vẫn bảo tồn thiên nhiên. Thế nhưng, chính Lập cũng thừa nhận rằng việc bắt tay vào làm vườn rừng tốn nhiều thời gian, công sức, tiền của hơn gấp nhiều lần so với cách làm thông thường.
Nếu mùa màng cứ “đến hẹn lại lên” với những người nông dân bình thường, thì với những người làm vườn rừng, hoa lợi luôn đến sau những thắc thỏm lắng nghe, điều chỉnh liên tục để tương tác với nắng mưa. Những mùa thu hoạch còm cõi, cây trái xù xì. Chỉ có con người là thuần khiết hơn, thân thiện hơn, hiểu biết hơn trước thiên nhiên. Và trong cái còm cõi của cây trái hoàn toàn là dưỡng chất, là thiên nhiên, là sự sống không một chút “dư lượng” nào có tính đe dọa với sự sống con người.
Và người ta vẫn mải miết thực hành triết lý “xanh”, dù đường dài hơn, nhân lực lẫn tài lực đều tốn kém hơn. Nhà báo Phạm Thành Nhân, đang chọn trải nghiệm và lan tỏa mô hình vườn rừng, từng kể, thời gian thu hoạch chuối tính từ lúc trồng là tầm 9-12 tháng. Thế nhưng, vườn chuối được trồng theo hướng thuận tự nhiên suốt 2 năm chỉ cao một đoạn, vẫn là… chuối chưa dậy thì.
Anh Quang Hưng, chủ nhân Hồ Rừng Farm ở Đồng Nai, đã mất 2 năm trời chuẩn bị, cải tạo đất, tạo sinh khối cho đất - thời gian đủ dài để một người nông dân bình thường kịp thu thành quả. Hai năm trời quần quật 10ha đất dốc, nhưng người nông dân này vẫn cười hiền: “Nhiều lúc không biết mình có đi đúng không…”.
Cái tự hỏi, những phi lý được “tự trào” trong lời kể của họ đều xoáy sâu vào những khác biệt tréo ngoe giữa hai hệ quy chiếu. Khi nhìn mọi thứ ở kết quả tức thì, ở tiêu chí tiền của, thời gian, công sức, hẳn sẽ “không biết mình có đi đúng không”?! Còn khi bền bỉ với tinh thần xanh, tất cả những tít tắp, vòng vèo, ghềnh thác đó, đều là con đường để đi đến một cảnh giới sống và canh tác trên sự thấu hiểu, nương tựa, bầu bạn với thiên nhiên.
Họ vẫn bền bỉ đi. Cộng đồng của họ ngày một đông hơn. Khắp thành phố lẫn nông thôn, người có điều kiện bắt đầu chấp nhận bỏ ra nhiều tiền hơn, tốn nhiều thời gian hơn cho một món đồ dùng, một khẩu phần ăn thuần tự nhiên. Những lạc thú gây hại đến tự nhiên bị lên án. Nhu cầu kiếm tìm những phương thuốc cứu người nhưng hại động vật, đả thương hệ sinh thái bị bài bác gay gắt. Mọi nhu cầu về tiêu dùng, sức khỏe lẫn tâm linh đều được soi sáng lần nữa dưới cái nhìn sinh thái. “Xanh” trở thành một tiêu chí bàng bạc trong tất cả sinh hoạt được cho là văn minh.
Con người đã rời bỏ ảo tưởng trung tâm để bước lên một tầng cao hơn trong nhận thức về thế giới. Nếu còn nhìn mọi thứ bằng những thước đo cũ, bạn sẽ thấy phi lý, hoặc khá hơn là chỉ nhìn thấy những khía cạnh lãng mạn của những hoạt động xanh. Bởi câu hỏi thực dụng nhất vẫn không có được câu trả lời thật sát sườn có thể kiểm chứng tức khắc: “Rồi ai sẽ được lợi, con người sẽ được gì?”.
Nhưng, nếu dịch chuyển cái nhìn ra xa hơn, sẽ thấy sống xanh là lối sống vị nhân sinh hơn cả. Bởi chỉ khi thấu hiểu và bảo vệ thiên nhiên, con người mới có một môi trường sống bền vững, an toàn. Loài người đã thăng trầm đủ để nếm trải những “tốn kém” khổng lồ về cả thời gian, tiền của, sức người và cả sinh mạng khi sinh thái lâm nguy dẫn đến thiên tai, dịch bệnh.
Trong kỷ nguyên “con người là trung tâm”, ta đã nhân danh sinh tồn và phát triển để lòng tham phá hủy, làm sinh thái cạn kiệt. Sau bể dâu, sống xanh là biểu hiện thức tỉnh của nhân loại. Cũng là vì con người. Đó là những con người khiêm nhường, biết tự tu dưỡng và trân trọng tương lai - là những con người khỏe mạnh bền vững trong sự khỏe mạnh, bền vững chung của hệ sinh thái.