Xăng sinh học E5: Xăng xanh thành… đống nợ - Bài 4: Bỏ thì thương, vương thì tội!

Hàng ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn nhà nước đã đầu tư, xây dựng các nhà máy nhiên liệu sinh học để phối trộn thành xăng E5 RON92 trở thành đống sắt khổng lồ bất động. Hàng chục năm qua, những nhà máy này đã trở thành “cục xương” mắc nghẹn của các chủ đầu tư, hết sức lãng phí!

Chờ phá sản, kéo ra tòa

Giữa tháng 3-2024, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội ban hành quyết định về việc duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu OIL của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) do “Báo cáo tài chính năm bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên”. Sau đó, PVOIL đã có văn bản giải trình, thể hiện rõ về cách thức đề xuất hướng xử lý Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ.

Theo đó, giá trị khoản đầu tư của PVOIL vào Công ty cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí Phú Thọ (PVB) trên 271 tỷ đồng (tính đến ngày 31-12-2023) dựa theo số liệu báo cáo tài chính chưa được kiểm toán của PVB cho năm tài chính kết thúc ngày 31-12-2022. PVOIL vẫn đang chờ phê duyệt của các cơ quan chức năng về việc triển khai phương án phá sản cho PVB. Đây là khoản đầu tư góp vốn của PVOIL vào PVB - công ty liên kết do PVOIL sở hữu 39,76% vốn điều lệ để xây dựng Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ (phát sinh từ trước khi cổ phần hóa OIL). Dự án đã dừng thi công từ năm 2012, nhưng đến nay vẫn trong tình trạng dở dang, chưa được nhà thầu bàn giao cho chủ đầu tư và công trình xây dựng chưa được nghiệm thu, quyết toán.

Dự án nói trên nằm trong số 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương. Thông báo của Văn phòng Chính phủ (năm 2018) cho thấy, dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ được đề nghị xem xét phương án giải thể, phá sản theo quy định pháp luật. Ông Nguyễn Tuấn Tú, Phó Tổng giám đốc PVOIL, cho biết, công ty đã có văn bản trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đề xuất được xác định lại khoản đầu tư tại dự án này về mức 0 đồng khi thực hiện quyết toán cổ phần hóa (được hiểu là loại khoản đầu tư này ra khỏi công ty cổ phần). Trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản dự án, nếu có phát sinh thu hồi từ thanh lý tài sản tại Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ, PVOIL sẽ nộp toàn bộ về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Vấn đề này đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xin ý kiến xử lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về sắp xếp lại, xử lý nhà đất và khó khăn, vướng mắc trong quyết toán cổ phần hóa PVOIL. Tuy nhiên, việc này chưa được các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý. Trong khi đó, tại tờ trình đại hội cổ đông mới đây của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (công ty mẹ Công ty cổ phần Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF) - chủ dự án Nhà máy ethanol Dung Quất) cho thấy, việc xử lý nhà máy này đang nằm tại tòa án.

L5b.jpg
Cửa hàng PVOIL Comesco ở quận 10, TPHCM vẫn treo bảng hiệu bán xăng E5RON92. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Năm 2021, các ngân hàng tài trợ cấp tín dụng cho công ty (bao gồm Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam) đã khởi kiện BSR-BF lên TAND TP Quảng Ngãi liên quan đến các khoản vay quá hạn thanh toán và biện pháp thu hồi nợ, lãi vay hợp đồng tín dụng xây dựng nhà máy. Ngày 26-3-2023, tòa án đã tuyên án, cơ bản chấp nhận tất cả yêu cầu khởi kiện của các ngân hàng, đồng thời yêu cầu BSR-BF thanh toán các khoản nợ gốc, lãi phát sinh.

Trong trường hợp BSR-BF không thể thanh toán thì các ngân hàng có quyền yêu cầu xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Sau đó, BSR-BF nộp đơn kháng cáo một số nội dung của bản án, nhưng đến ngày 22-2-2024, BSR-BF đã nộp đơn đến TAND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu mở thủ tục phá sản. Hiện nay, sự việc đang chờ quyết định thụ lý của tòa án. Về tình hình tài chính của BSR-BF, các khoản nợ quá hạn thanh toán tính đến ngày 31-12-2023 bao gồm: chi phí lãi vay 439,6 tỷ đồng, số dư gốc vay khoảng 1.127,1 tỷ đồng.

Lửng lơ trách nhiệm

Theo TS Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TPHCM), việc các nhà máy dừng sản xuất ethanol phối trộn làm xăng E5 phải có phương án xử lý dứt điểm càng sớm càng tốt để giảm thiệt hại; không nên đóng cửa nhà máy trong thời gian dài, làm phát sinh chi phí lãi vay ngày càng tăng như thời gian qua. Trong đó, ưu tiên trước hết là tái cơ cấu để hiệu quả hơn, nếu có thể, chuyển đổi sản xuất các sản phẩm có nhu cầu thị trường phù hợp với công nghệ. Nếu không khả thi sẽ tính đến phương án chuyển nhượng hoặc bán lại tài sản cho các nhà đầu tư khác.

Nếu cả 2 phương án không khả thi thì mới xem xét đến phương án phá sản. “Việc phá sản doanh nghiệp nhà nước không đơn giản như các doanh nghiệp tư nhân. Ngoài những quy định liên quan đến phá sản, còn xử lý trách nhiệm của người được giao vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước theo quy định về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước. Người được giao vốn làm ăn thua lỗ dẫn đến mất vốn phải chịu trách nhiệm cá nhân, nếu quá trình đầu tư thực hiện không đúng quy định của pháp luật. Tùy vào mức độ vi phạm dẫn đến thua lỗ phải chịu trách nhiệm cụ thể, thậm chí phải bồi thường”.

Trong khi đó, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính (Bộ Tài chính), nhận định, bài học ở đây là công tác tham mưu xây dựng phát triển dự án, dự báo thị trường và giám sát, triển khai dự án. Đối với dự án xăng E5, có thể thấy đã sai ngay từ đầu, đó là khâu tham mưu xây dựng dự án không phù hợp. Dự án xăng E5 ra đời khi giá dầu thế giới đang ở mức cao (trên 100 USD/thùng), việc sản xuất xăng E5 mới có thể cạnh tranh được với giá xăng dầu truyền thống, từ đó mới đem lại hiệu quả, có lãi.

Do đó, sai sót lớn nhất là việc xây dựng dự án nhưng không được đánh giá đầy đủ cũng như các dự báo về thị trường. Cho nên, khi giá xăng dầu thế giới đã giảm xuống ở mức 70-80 USD/thùng như hiện nay thì xăng E5 đã không còn hiệu quả. Chi phí của xăng E5 khi ấy cũng không được tính toán kỹ càng. Mặc dù nói xăng sinh học sẽ đỡ giảm thải khí CO2 và có vẻ “xanh hóa”, thân thiện môi trường hơn, nhưng lại không bàn đến hiệu quả kinh tế. Thêm vào đó, tiến độ triển khai dự án lại quá chậm, kéo dài tận 5-7 năm sau mới hoàn thành thì cũng là lúc giá xăng dầu thế giới đã thay đổi. Vì vậy, nếu muốn tiếp tục đầu tư để hoàn thành thì khi vận hành sẽ càng thêm lỗ. “Có thể nói, thực trạng của các dự án bây giờ là bỏ thì thương, vương thì tội. Bởi nếu bỏ đi thì xem như là bỏ hết, mất tất cả, cả gốc lẫn lãi. Nhưng nếu giữ lại thì chi phí lãi vay, duy trì nhà máy… cũng sẽ mất theo từng ngày!

Gần đây, có ý kiến cho rằng đã đâm lao thì theo lao, cố gắng bỏ ra chi phí để duy trì công tác bảo quản, bảo dưỡng máy móc trang thiết bị để đến một lúc nào đó khi giá xăng dầu thế giới biến động thì đưa vào vận hành. Song, điều này là rất khó, bởi chi phí vốn bảo quản đó ai sẽ bỏ ra, nhất là khi dự án vẫn còn đang mang nợ ngân hàng?”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.

PGS-TS NGÔ TRÍ LONG, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính):

Những bê bối đối với dự án xăng E5 là câu chuyện cũ nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Thực tế, đối với dự án này không còn mong chờ phục hồi sản xuất được nữa, mà phải tính đến câu chuyện cho giải thể hoặc phá sản như thế nào. Tôi được biết, trước đây PVOIL đã có đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước báo cáo Thủ tướng cho phép đơn vị này được xác định khoản đầu tư là 0 đồng, là phá sản. Nhưng hình như đến nay Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn chưa đồng ý.

Thêm vào đó, ở đây còn có câu chuyện “quả bóng trách nhiệm” mà các bên sợ nên có vẻ đang “đá chuyền chân” cho nhau, không bên nào dám ra quyết định. Những người làm trực tiếp thì vướng vòng lao lý, thế còn đơn vị tham mưu dự án, là những ai? Thời điểm ấy, đi nhập máy móc cũ kỹ về để xây dựng nhà máy xăng E5 là đã lỗi thời, bởi vì nhiều nước trên thế giới họ đã sử dụng xăng E10, E20 (tỷ lệ pha trộn từ 10%-20%). Do đó, công tác tham mưu dự án ở đây rất quan trọng. Tôi cho rằng, đến giờ mà vẫn không cho xử lý bằng phá sản hay giải thể thì hậu quả để lại sẽ rất lớn cho nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục