Không có lời không bán!
Theo khảo sát của PV Báo SGGP, tại nhiều cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội hiện nay, khi người dân có nhu cầu mua xăng, hầu như chỉ đổ xăng RON95, rất ít đổ xăng sinh học E5RON92.
Tại cây xăng trên đường Tố Hữu (Thanh Xuân, Hà Nội) vào giờ cao điểm, mặc dù xếp hàng dài, nhưng nhiều người vẫn ráng chờ đổ xăng RON95. Trong khi đó, tại Đồng Nai, xăng E5 từng được triển khai rầm rộ nhưng đến nay loại xăng này vắng bóng, thậm chí nhiều cửa hàng xăng dầu đã loại bỏ trụ bơm xăng E5RON92.
Tương tự, tại TPHCM, từng là một thị trường lớn của xăng E5RON92 khi được đưa vào bán đại trà, nhưng theo thống kê mới nhất của Sở Công thương TPHCM thì còn bán khá khiêm tốn: Petrolimex có 47/73 cửa hàng; Saigon Petro có 3/5 cửa hàng; Công ty TM Củ Chi bán đủ 15/15 cửa hàng; Công ty CP Vật tư xăng dầu (Comeco) là 9/24 cửa hàng...
Một lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mới đây cho rằng, doanh nghiệp phải có lợi nhuận thì họ mới bán. “Doanh nghiệp nhập về một đống hàng mà không tiêu thụ được thì thua lỗ ngay”, vị này chia sẻ.
Hiện nay, những nơi vẫn bán song song xăng E5RON92 và RON95 là hệ thống các cửa hàng thuộc những doanh nghiệp phân phối lớn như: Petrolimex, PVOil, Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội… Tuy nhiên, tỷ trọng tiêu thụ xăng E5 không cao như kỳ vọng, thậm chí còn có xu hướng giảm dần đều.
Đề cập nguyên nhân xăng E5 ngày càng “lép vế” trên thị trường, đại diện Bộ Công thương nêu lý do chính là giá bán của xăng E5RON92 không hấp dẫn vì mức thuế bảo vệ môi trường cao, dẫn đến đội giá bán.
Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường với xăng E5RON92 ở mức 3.800 đồng/lít, bằng 95% mức thuế bảo vệ môi trường của xăng khoáng RON92, trong khi mức độ bảo vệ môi trường của xăng sinh học tốt hơn. Theo ông Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), giá xăng E5RON92 và xăng RON95 chỉ chênh nhau khoảng 500-1.000 đồng/lít thì không có nghĩa lý gì để người tiêu dùng phải mua xăng sinh học.
“Nếu giá xăng sinh học mà cứ rẻ hơn xăng khoáng ít nhất khoảng 2.000 đồng/lít thì hỏi người tiêu dùng có quay sang mua xăng sinh học hay không?”, ông Ngô Trí Long đặt câu hỏi. Đại diện của Saigon Petro và PVOil cũng nêu ý kiến, để tạo sức hút cho xăng E5RON92 thì cần tạo khoảng cách sâu về giá so với xăng RON95.
Kiến nghị cải cách chính sách về giá để khuyến khích sử dụng
Mặc dù thị trường tiêu thụ của xăng sinh học đang gặp trở ngại nhưng Bộ Công thương vẫn khẳng định hiệu quả bảo vệ môi trường của loại xăng này. Động cơ sử dụng xăng sinh học E5 tạo ra rất ít khí thải CO và hydrocarbon (HC), ít hơn hẳn các loại xăng khoáng thông dụng như A92 và A95 trung bình tới 20%...
Do đó, Bộ Công thương sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp thúc đẩy tiêu thụ xăng E5RON92 trên thị trường, kiến nghị cải cách chính sách về giá đối với nhiên liệu sinh học để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng sinh học.
Phá sản đề án xăng sinh học?
Với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và tạo đầu ra ổn định cho nông sản, ngày 20-11-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”.
Theo đó, đến năm 2015 sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 250.000 tấn (pha được 5 triệu tấn E5, B5) đáp ứng 1% nhu cầu xăng dầu của cả nước; đến năm 2025, sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 1,8 triệu tấn, đáp ứng khoảng 5% nhu cầu xăng dầu của cả nước.
Theo Bộ Công thương, thực hiện đề án trên, cả nước có 7 nhà máy được quy hoạch và đầu tư để sản xuất nhiên liệu sinh học là Dung Quất, Bình Phước, Phú Thọ, Đại Tân (tỉnh Quảng Nam), Đại Việt (tỉnh Đắk Nông), Nhà máy Ethanol Đắk Tô (tỉnh Kon Tum) và Nhà máy Ethanol Tùng Lâm (Đồng Nai).
Trong đó, Dung Quất, Bình Phước và Phú Thọ là 3 nhà máy do các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư và có vốn đầu tư lớn nhất. Tiếp đó, nhằm để mở thị trường cho xăng sinh học E5 thực hiện lộ trình dần thay thế các loại xăng khoáng, vào năm 2017, Bộ Công thương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép phối trộn nhiên liệu sinh học (ethanol) với nhiên liệu truyền thống (xăng nền RON92).
Theo đó, Chính phủ đã cho phép phối trộn các loại nhiên liệu này để trở thành xăng E5RON92 nhằm cung ứng ra thị trường từ ngày 1-1-2018 đến nay; đồng thời nêu rõ “chỉ cho phép sản xuất, kinh doanh 2 loại xăng là E5RON92 và xăng khoáng RON95”.
Tại thời điểm mới áp dụng chính sách phối trộn, lượng tiêu thụ xăng E5RON92 tăng mạnh với tỷ trọng chiếm tới 42%, còn xăng RON95 chiếm tỷ trọng khoảng 58% tổng lượng tiêu thụ xăng trên thị trường nội địa.
Trong 26 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mặt đất thì 7 thương nhân có hệ thống phối trộn xăng E5 như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TPHCM (Saigon Petro), Công ty TNHH một thành viên - Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty CP Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu…
Còn về số trạm thực hiện hoạt động phối trộn xăng sinh học, cả nước có khoảng 29 trạm với tổng công suất phối khoảng 6,5-8,6 triệu m3/năm. Lượng nhiên liệu từ hệ thống phối trộn này đủ cung ứng cho thị trường cả nước, thông qua hệ thống gần 17.000 cửa hàng.
Thế nhưng, theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, kể từ đó cho đến nay, các nhà máy hoặc dừng, hoặc chưa thể hoạt động, hoặc sống èo uột. Trong khi đó, lượng tiêu thụ xăng E5RON92 teo tóp dần: năm 2019 chỉ khoảng 3,3 triệu m3; năm 2020 còn 2,5 triệu m3; năm 2021 cũng tương tự; năm 2022 chỉ tiêu thụ khoảng 1,5 triệu m3; và năm 2023 chỉ tiêu thụ được khoảng 1 triệu m3.
Theo ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), tổng nguồn xăng dầu các loại gồm cả nhập khẩu, mua từ nguồn sản xuất trong nước và pha chế trong cả năm 2023 ước khoảng 26,02 triệu m3. Như vậy, với những con số tiêu thụ nói trên, nếu lấy mốc so sánh của năm 2023 thì mức tiêu thụ của xăng E5RON92 chỉ còn tỷ lệ 1/26, một con số quá nhỏ bé!
Ông BÙI NGỌC BẢO, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam:
Nhập khẩu ethanol thế giới rẻ hơn sản xuất trong nước
Nếu ethanol được sản xuất từ sắn (chủ yếu tại Brazil) thì giá thành đắt hơn nhiều so với ethanol sản xuất từ ngô (bắp - chủ yếu tại Mỹ). Nguồn nhập khẩu ethanol về Việt Nam hiện nay chủ yếu từ Mỹ thông qua một số đối tác tại Hàn Quốc, Singapore…
Nếu sản xuất ethanol trong nước, giá thành sẽ đắt hơn so với nhập khẩu, tùy thời điểm sẽ khác nhau, nhưng trung bình chênh lệch khoảng 500-1.000 đồng/lít. Chi phí sản xuất ethanol ở trong nước cao do nhiều yếu tố, trong đó một phần do năng suất sắn của Việt Nam thấp.
Ngay như chi phí sản xuất ethanol ở Thái Lan cũng rẻ hơn của chúng ta do năng suất sắn của Thái Lan cao hơn. Do vậy, nguồn ethanol để phối trộn hiện nay là từ nhập khẩu.
Theo tôi, để phát triển thị trường xăng sinh học và tháo gỡ khó khăn cho các dự án sản xuất lớn đang phải đắp chiếu như Nhà máy Ethanol Dung Quất, Nhà máy Ethanol Bình Phước có thể hoạt động trở lại thì vấn đề quan trọng nhất là bài toán thị trường.
Về cơ bản, nguyên nhân các nhà máy sản xuất ethanol cũng như thị trường xăng sinh học không được thuận lợi là do ngay từ lúc bắt đầu triển khai đã không tốt. Nếu ngay từ đầu, chúng ta lựa chọn loại xăng E10 thì sẽ tốt hơn E5 vì tỷ lệ ethanol trong xăng E5 còn ít quá.
Mục tiêu Việt Nam đề ra là sẽ phải chuyển sang dùng các loại xăng E5, E10 để thay thế các loại xăng khoáng. Việc chuyển sang xăng sinh học là tất yếu, những nước như Mỹ, Brazil, châu Âu… đều đang làm.
Nếu chúng ta càng sớm chuyển sang sử dụng đồng bộ xăng sinh học thì càng sớm đạt được cam kết về giảm phát thải với thế giới. Hiện nay, lộ trình, cơ chế chính sách, chủ trương về xăng sinh học đã có, vấn đề là quyết tâm hành động, hiện thực hóa như thế nào thì cần phải có chỉ đạo của cơ quan nhà nước.