Sức mua giảm mạnh
Hầu hết cửa hàng xăng dầu của các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TPHCM không còn bóng dáng trụ bơm bán xăng E5 RON 92. Trong khi đó, một số cửa hàng của doanh nghiệp nhà nước như: Comeco, Petrolimex… cũng giảm trụ bơm hoặc dẹp bỏ hẳn, do sức mua kém.
Tại cửa hàng xăng dầu Comeco trên đường Phan Huy Ích (quận Gò Vấp), chỉ còn 2 trong tổng số 9 trụ bán xăng E5 RON 92. Tuy nhiên, cả 2 trụ này thi thoảng mới có người ghé mua. “Trước đây, mỗi ngày cửa hàng bán được khoảng hơn 1.000 lít. Nhưng từ hơn một năm nay sức mua chậm, mỗi ngày chỉ còn bán tầm 300 - 400 lít. Mà khách mua chủ yếu là những người đi dòng xe đời cũ, sử dụng quen xăng E5 RON 92”, một nhân viên tại đây cho biết.
Nếu ở nội thành thi thoảng vẫn còn những trụ bơm bán xăng E5 RON 92 thì ra ngoại thành, gần như không thấy cửa hàng nào bán. Ngay tại cửa hàng xăng dầu Petrolimex - Cửa hàng 12 trên QL 1A (phường An Phú Đông, quận 12) có quy mô khá lớn với cả chục trụ bơm, nhưng cũng đã “khai tử” xăng E5 RON 92 vì sức mua ế ẩm.
Anh Nguyễn Văn Quốc Dũng, nhân viên bán hàng, cho biết, trước đây cửa hàng có 2 trụ bơm bán xăng E5 RON 92, nhưng mỗi ngày chỉ bán được vài chục lít cho các bác tài chạy xe ôm, ba gác. Trong khi đó, để bán được xăng E5 RON 92 phải có trụ riêng để pha trộn rất tốn chi phí. Do vậy, sau thời gian nhập về bán không hiệu quả, cửa hàng này đã quyết định chuyển 2 trụ này qua bán dầu, vì hiệu quả hơn.
Đại diện doanh nghiệp đầu mối cung cấp xăng dầu là Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) cho biết, tỷ trọng xăng E5 trong cơ cấu tiêu thụ xăng ngày càng giảm, nhất là từ đầu năm 2019 trở lại đây. Năm 2018, tại Saigon Petro, tỷ trọng tiêu thụ xăng E5 bình quân 30,06%, đến năm 2019 giảm còn 22,65%, năm 2020 chỉ còn trên 10%.
Tạo thói quen sử dụng nhiên liệu sạch
Trên thực tế, việc tổ chức tiêu thụ xăng E5 RON 92 còn nhiều bất cập. Theo nghiên cứu của cơ quan chức năng, hiện số người sử dụng loại xăng này vẫn còn, dù không nhiều, nhưng do có quá ít cửa hàng bán xăng E5 RON 92 nên họ muốn mua xăng cũng khó. Chưa kể, chênh lệch giá giữa xăng A 95 và xăng E5 RON 92 ngày càng thấp nên không hấp dẫn người tiêu dùng. Cụ thể, năm 2018, mức chênh lệch giá bán lẻ xăng A 95 và xăng E5 RON 92 là 1.552 đồng/lít; năm 2019 là 1.200 đồng/lít. Từ năm 2020 đến nay, mức chênh lệch chỉ còn trên dưới 1.000 đồng/lít.
Điểm mấu chốt nữa khiến thị phần xăng E5 RON 92 không thể tăng được theo lộ trình của Chính phủ, còn nằm ở các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Bởi khi sản lượng tiêu thụ xăng E5 RON 92 ít, nhiều đại lý, cửa hàng bán lẻ dần lơ là việc giới thiệu bán, thậm chí loại bỏ hẳn trụ bơm bán xăng E5 RON 92 và chuyển sang bán xăng A 95 hoặc dầu như đã nêu trên. Chưa kể, để có nguồn cung nhiên liệu sinh học xăng E5 RON 92, các thương nhân đầu mối phải có chi phí đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ cho công tác tổ chức pha chế, phối trộn, tồn trữ, lưu thông với khoản chi phí rất lớn. Còn nếu như, sau khi phối trộn xăng E5 RON 92 nhưng bán không được, phải cất trữ thì mức hao hụt rất lớn, càng khiến doanh nghiệp không mặn mà.
Trước thực trạng này, để có thể khuyến khích người dân sử dụng xăng E5 RON 92, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ông Nguyễn Văn Vy cho rằng, phải bắt đầu từ việc gỡ những rào cản trong toàn bộ chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ. Đặc biệt, các doanh nghiệp đầu mối cần được hỗ trợ tích cực hơn nữa trong khâu đầu tư hệ thống phối trộn, trong chính sách về thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường để có thể hạ giá thành sản phẩm, tạo một mức chênh lệch về giá đủ sâu để hấp dẫn người tiêu dùng. Chính phủ và các bộ ngành cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông về lợi ích của xăng E5 RON 92 đối với môi trường, giúp người dân hiểu và hình thành thói quen tiêu dùng nhiên liệu sạch. Lấy việc cải thiện niềm tin và sự hấp dẫn đối với người tiêu dùng làm trọng tâm đột phá, thay vì các mệnh lệnh hành chính hoặc khích lệ suông.
Với mục tiêu góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và tạo đầu ra ổn định cho nông sản, ngày 20-11-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”. Để thực hiện đề án, ngày 22-11-2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Theo đó, xăng sinh học là hỗn hợp của xăng không chì truyền thống và cồn sinh học (bio-ethanol), trong đó, 90% đến 95% thể tích là xăng không chì truyền thống và 5% đến 10% thể tích là cồn sinh học, được sử dụng làm nhiên liệu cho các loại động cơ đốt trong như xe máy, ô tô. Xăng sinh học được ký hiệu là “Ex”, trong đó “x” là tỷ lệ % cồn sinh học. Ví dụ: Xăng sinh học E5 tức là nhiên liệu được pha trộn 4%-5% thể tích cồn sinh học. Lộ trình sử dụng loại xăng này như sau: từ ngày 1-12-2014, xăng E5 được sản xuất, phối chế thành xăng E5 RON 92 để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ ngày 1-12-2015 xăng này được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc. |