* PHÓNG VIÊN: Thưa bà, tại sao đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý dứt điểm các nhà máy đầu tư xăng E5 thất bại như Báo SGGP đã phản ánh?
* Bà NGUYỄN THÚY HIỀN: Các dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Bình Phước và Phú Thọ có các chủ đầu tư, gồm: Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí Miền Trung (BSR-BF), Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF), Công ty CP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí Phú Thọ (PVB). Nguồn vốn đầu tư triển khai các dự án này là do cổ đông của Công ty CP BSR-BF, OBF, PVB đóng góp và vốn vay các tổ chức tín dụng. Do đó, việc triển khai hoạt động đầu tư cũng như xem xét tính toán phương án sản xuất kinh doanh để đảm bảo tính khả thi thuộc quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo cơ chế thị trường của các chủ đầu tư.
Chủ đầu tư các công ty cổ phần BSR-BF, OBF và PVB đều là doanh nghiệp cấp III của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý. Vì vậy, việc xử lý các dự án nhà máy này không thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương.
* Hiện tại nguồn nhập Ethanol đến từ đâu, số liệu cụ thể mỗi năm thế nào, thưa bà?
* Các doanh nghiệp tạo nguồn E100 (Ethanol nguyên chất sau khi sản xuất) để pha chế xăng 92-E5 từ nhà cung cấp trong và ngoài nước. Hiện tại, nguồn cung cấp E100 trong nước đến từ Công ty Nhiên liệu sinh học Việt Nam có nhà máy ở Quảng Nam và Công ty Nhà Xanh có nhà máy ở Đồng Nai. Ngoài ra cũng có nhà cung cấp nước ngoài thuê kho ngoại quan ở Vàm Cỏ tham gia chào bán. Nguồn nhập khẩu Ethanol chủ yếu từ Mỹ và một số nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…
Việc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lựa chọn nguồn mua trong nước, hay nhập khẩu dựa trên cơ sở cạnh tranh, nguồn nào rẻ cùng với yếu tố logistics thuận lợi họ sẽ quyết định. Hiện nay, có khoảng 23/30 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mặt đất bán xăng E5-RON92 trong hệ thống phân phối của mình. Thực hiện chủ trương của Chính phủ về phát triển, khuyến khích nhiên liệu sinh học tại Việt Nam, đến nay khoảng 80% cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã và đang kinh doanh 2 sản phẩm xăng là xăng sinh học E5-RON92 và xăng khoáng RON95 trên 63 tỉnh, thành phố. Số lượng tiêu thụ những năm gần đây khoảng từ 2-2,5 triệu m3/năm.
* Theo bà, đâu là nguyên nhân khiến xăng sinh học kém cạnh tranh so với xăng khoáng ?
* Bộ Công thương đã và đang triển khai các giải pháp để khuyến khích sử dụng xăng sinh học như điều hành giá xăng dầu một cách linh hoạt nhằm tạo mức chênh lệch giữa giá xăng khoáng và xăng sinh học ở mức hợp lý (chênh lệch trong khoảng từ 800-1.200 đồng/lít tùy từng kỳ điều hành giá); phối hợp Bộ TT-TT thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, khuyến khích sử dụng xăng sinh học... Thế nhưng sản lượng tiêu thụ xăng sinh học ở Việt Nam vẫn còn hạn chế so với xăng khoáng truyền thống.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tiêu thụ hạn chế là do độ chênh giá chưa đủ hấp dẫn để người tiêu dùng lựa chọn sử dụng xăng E5RON92. Các doanh nghiệp cho biết, giá xăng E5RON92 không rẻ hơn nhiều so với xăng khoáng một phần bởi chi phí sản xuất E5RON92 cao (bao gồm các công đoạn như phối trộn, kiểm tra chất lượng, lưu trữ, vận chuyển, phân phối…). Thêm nữa, xăng E5 chỉ tồn chứa và bán nhanh trong vòng 1 tuần, nếu để sang tuần thứ hai chất lượng và màu sắc thay đổi, nếu mang đi kiểm định sẽ không đạt chất lượng, nhiều doanh nghiệp lo sợ bị phạt bán nhiên liệu không đảm bảo chất lượng nên không kinh doanh. Bên cạnh đó, xăng E5 bay hơi nhanh hơn xăng khoáng, nếu không bán nhanh thì số lượng giảm, dẫn đến kinh doanh không hiệu quả.
* Giải pháp của Bộ Công thương trong thời gian tới nhằm khuyến khích người dân sử dụng xăng sinh học, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh loại xăng này ra sao?
* Ở thời điểm hiện tại, Bộ Công thương tiếp tục thực hiện công tác chỉ đạo Sở Công thương các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện kế hoạch cung ứng, phân phối xăng sinh học E5-RON92 đáp ứng nhu cầu thị trường; phối hợp Bộ Tài chính rà soát các văn bản, nghiên cứu xây dựng cơ chế về giá, thuế để khuyến khích sử dụng xăng E5-RON92. Bộ cũng chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế để tranh thủ các nguồn lực về kỹ thuật và công nghệ nhằm phát triển sản xuất, sử dụng nhiên liệu sinh học tại Việt Nam, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Về phía Bộ Tài chính cũng khẩn trương nghiên cứu, triển khai xây dựng và ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu thiết bị, phụ tùng trong nước chưa sản xuất được của các dự án phát triển mạng lưới phối trộn, phân phối, kinh doanh sản phẩm nhiên liệu sinh học; các chính sách ưu đãi về thuế đối với các sản phẩm nhiên liệu sinh học theo từng giai đoạn của lộ trình; các quy định về thuế đối với nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học phù hợp với định hướng phát triển nhiên liệu sinh học của quốc gia và điều kiện thực tiễn hiện nay…
* Ông CAO HOÀI DƯƠNG, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL):
Các dự án đều được trích lập dự phòng
PVOIL chỉ là một trong những cổ đông góp vốn, không phải cổ đông chi phối tại các dự án và nhà máy. Cụ thể, tại Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất, PVOIL góp 38,75%, Bình Phước góp 29% và Phú Thọ là 39,76%. Điều này cũng nói thêm là, các cổ đông còn lại đến từ công ty tư nhân trong và ngoài nước (Nhật Bản). Hầu hết các cổ đông tham gia sau này tự giải tán, hoặc bán lại với giá tượng trưng. Đối với PVOIL, vì trách nhiệm với dự án nên vẫn cắt cử nhân viên, thuê bảo vệ trông coi dự án…
Việc đầu tư các dự án, ngoài vốn tự có thì nguồn vốn vay ngân hàng được thế chấp bằng chính dự án, khi hoạt động thua lỗ, không có khả năng trả lãi và vốn thì ngân hàng sẽ tiến hành kiện ra tòa phát mãi tài sản… Đối với phần vốn tự có tham gia vào các nhà máy Dung Quất và Bình Phước, cho đến nay PVOIL đã trích lập dự phòng. Riêng dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ do thi công dang dở, chưa hình thành tài sản, nên chưa có quy định về trích lập dự phòng, việc này chúng tôi đang chờ hướng dẫn của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Về kinh phí duy trì bộ máy, tại nhà máy Bình Phước, đơn vị tận dụng cho thuê kho chứa nông sản (trước đây là kho chứa nguyên liệu sắn), nên về cơ bản cân đối thu - chi đủ trả tiền điện nước, thuê bảo vệ. Với dự án Phú Thọ, do bán thanh lý một số ô tô nên đủ trả lương bảo vệ trông coi dự án.
Hiện tại, nhà máy Dung Quất và Bình Phước đã được tòa án xét xử cho phá sản. Theo đó, chủ đầu tư dự án phải bàn giao tài sản cho ngân hàng tiếp quản. Tháng 9 này sẽ bàn giao nhà máy Bình Phước cho ngân hàng.
THI HỒNG ghi
* Ông PHẠM HÀ PHƯƠNG, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp:
Dự án ethanol Phú Thọ sẽ được tiếp tục xem xét xử lý
Liên quan đến các nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ, Dung Quất và Bình Phước, trước đây thuộc danh mục 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương. Vào cuối năm 2021, ba dự án trên đã được chấp thuận chủ trương không thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương và giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sử dụng nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp để chủ động triển khai thực hiện phương án xử lý theo cơ chế thị trường.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với vai trò cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã đôn đốc, chỉ đạo PVN tích cực triển khai phương án xử lý các dự án này, định kỳ báo cáo tình hình thực hiện. Riêng dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ, chủ đầu tư đang phối hợp, hỗ trợ tiếp tục làm việc với các cổ đông của dự án và các bên liên quan để xem xét, quyết định thực hiện phương án xử lý theo thẩm quyền và quy định pháp luật.
BÍCH QUYÊN ghi