Theo ghi nhận tại nhiều cửa biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau như Khánh Hội, Sông Đốc, Cái Đôi Vàm, Rạch Gốc..., có hàng loạt tàu cá neo đậu, nhiều nhất là tàu hoạt động xa bờ, công suất máy lớn.
Ông Trần Văn Phỉnh (thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) cho biết: “Dân xứ biển hành nghề đánh cá nhiều năm chưa lúc nào thấy tàu nằm bờ lâu như lúc này. Thông thường chi phí tiền dầu chiếm từ 70%-80% cho một chuyến biển. Nhưng từ đầu năm đến nay, giá dầu liên tục tăng, trong khi giá các loại thủy hải sản lại không tăng nên việc đánh bắt càng ngày càng khó”.
Tại cửa biển Gành Hào (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải), nơi có hoạt động nghề khai thác thủy hải sản sôi động nhất của tỉnh Bạc Liêu, số lượng tàu cá nằm bờ cũng ngày một nhiều. Theo Phòng NN-PTNT huyện Đông Hải, qua khảo sát có gần 50% phương tiện khai thác trên địa bàn tạm nghỉ chờ giá xăng dầu hạ nhiệt. Còn tàu nào duy trì ra khơi thì chấp nhận rủi ro thua lỗ.
Cảng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) là một trong những cảng cá nhộn nhịp bậc nhất tại ĐBSCL. Thông thường, nơi đây tập trung nhiều tàu cập bến để bán cá, mực… sau những chuyến khai thác trên biển. Tuy nhiên, những tháng gần đây, tàu cập cảng cá thưa thớt dần. Theo thống kê của Ban Quản lý cảng cá, bến cá Kiên Giang, số lượng tàu cập cảng 5 tháng đầu năm giảm trên 14% so cùng kỳ, sản lượng hàng thủy hải sản bốc dỡ qua cảng hơn 40.100 tấn, giảm trên 44%.
Tác động từ việc tàu cá nằm bờ đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, nhất là các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hoạt động đánh bắt xa bờ. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang) cho biết, những tháng gần đây, nguyên liệu phục vụ chế biến thủy sản thiếu nghiêm trọng, bởi nguồn thủy hải sản đánh bắt chỉ đáp ứng một phần nhu cầu nhà máy. Việc thiếu hụt như thế đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của doanh nghiệp, nhiều đơn hàng có nguy cơ bị hủy.
Ông Châu Minh Đảm, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) cho biết, qua nắm bắt tình hình khai thác của ngư dân thì họ than nhiều hơn phấn khởi, nhất là thời gian gần đây hoạt động đánh bắt có lợi nhuận bấp bênh, nguyên nhân chính là do giá nhiên liệu tăng quá cao.
“Nhằm kéo giảm chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến đi biển, địa phương vận động các chủ tàu cùng hợp tác, thành lập các đội hay hợp tác xã khai thác trên biển. Thủy sản khai thác được sẽ liên kết với tàu thu mua, hạn chế tình trạng mỗi tàu cá tự ra vào bờ, nhằm giảm tổn hao nhiêu liệu. Song song đó, kiến nghị cấp trên xem xét cơ chế hỗ trợ đánh bắt trên biển”, ông Châu Minh Đảm đề xuất.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cũng cho biết, trên địa bàn có khoảng 4.000 tàu cá hoạt động xa bờ nhưng có đến đang nằm bờ, tạm nghỉ. “Hoạt động khai thác thủy sản của Kiên Giang chủ yếu là nghề lưới kéo, sử dụng máy công suất lớn. Vì vậy, giá nhiêu liệu tăng cao như hiện nay đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ.
Dự báo thời gian tới, số phương tiện nằm bờ ngày càng tăng, nếu giá nhiên liệu không hạ nhiệt…”, ông Thao nhận định. Cũng theo ông Thao, trước mắt để tháo gỡ khó khăn cho các chủ tàu cá, UBND tỉnh Kiên Giang đang trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết (dự kiến trong tháng 7-2022) hỗ trợ phí thuê bao thiết bị giám sát hành trình tàu cá.
Qua đó, hỗ trợ một phần chi phí cho ngư dân. Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ đầu tư cảng cá để tạo thuận lợi cho các tàu neo đậu, thúc đẩy hạ tầng nghề cá phát triển; tập trung điều tra, đánh giá trữ lượng, từ đó có kế hoạch khai thác hợp lý; tiến hành sắp xếp đội tàu khai thác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm sau khi đánh bắt nhằm nâng cao chất lượng nguồn thủy hải sản.
Trước những khó khăn của nhiều tàu cá, mới đây, Bộ NN-PTNT có công văn gửi Bộ Công thương và Bộ LĐTB-XH đề nghị hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu tăng cao. Cụ thể, Bộ NN-PTNT đề nghị Bộ Công thương và Bộ LĐTB-XH xem xét, đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội cho thuyền viên tàu cá. Đối tượng hỗ trợ là thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá nhiên liệu tăng; thời gian hỗ trợ trước mắt là 6 tháng, với mức hỗ trợ theo mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15-11-2019 của Chính phủ. |