Ngày 1-2, liên Bộ Công thương - Bộ Tài Chính đã có thông báo điều chỉnh tăng giá xăng dầu. Theo đó, giá xăng E5 RON 92 tăng 742 đồng/lít, lên mức 22.913 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 753 đồng/lít lên mức 24.160 đồng/lít. Đây là kỳ thứ 3 liên tiếp điều chỉnh tăng giá kể từ đầu năm 2024.
Trước diễn biến này, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải, đặc biệt doanh nghiệp vận tải hành khách theo hình thức hợp đồng lo lắng bởi hầu hết họ đã chốt hợp đồng vận chuyển với khách hàng. “Rất khó để thương thảo lại” đại diện một doanh nghiệp chia sẻ. Được biết, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 40% tổng chi phí vận chuyển của doanh nghiệp vận tải.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải theo hình thức tuyến cố định liên tỉnh đang cân đối lại chi phí để xem có quyết định điều chỉnh giá cước vận tải hay không. Ngoài chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí vận chuyển thì các hãng xe chạy tuyến liên tỉnh cố định, vào dịp tết còn đối mặt với tình trạng “xe chạy rỗng 1 chiều", tức là xe chỉ đông khách từ TPHCM về các tỉnh và rất ít khách từ các tỉnh về TPHCM trong thời gian này.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TPHCM cho biết nguyên tắc chung, theo quy định của pháp luật về giá hiện nay, giá cước vận tải do các doanh nghiệp vận tải quyết định. Khi cần điều chỉnh, họ phải kê khai tới cơ quan quản lý giá và cần được xét duyệt để thực hiện. Tuy nhiên, giá cước vận tải được điều chỉnh trong trường hợp ảnh hưởng từ 5% trở lên tới giá thành vận tải. Bên cạnh đó, giá cước vận tải thường được điều chỉnh sau khi giá xăng dầu tăng một thời gian nhất định chứ không tăng ngay lập tức.
“Về việc tăng giá xăng dầu vào đúng dịp cao điểm phục vụ tết như hiện nay, chắc chắn nhiều doanh nghiệp vận tải sẽ phải đề nghị điều chỉnh tăng giá cước do nhu cầu đi lại tăng cao mà nguồn cung vận tải thì có hạn. Tuy nhiên, mức tăng cụ thể sẽ phụ thuộc vào biến chuyển thực tế trên thị trường”, ông Tính nhận định.
Trong khi đó, các bến xe trên địa bàn TPHCM cũng đang khuyến khích các đơn vị vận tải không tăng giá cước trong thời gian phục vụ tết. Trong trường hợp cần kê khai điều chỉnh giá vé để đảm bảo đủ chi phí thì đơn vị vận tải phải làm văn bản đề xuất gửi đến các cơ quan chức năng theo đúng quy định của Bộ Tài chính, đồng thời cần thông báo cho hành khách và niêm yết giá tại quầy bán vé.