Thời gian qua, giá xăng, dầu đã giảm liên tiếp nhiều lần trong sự mong ngóng, chờ đợi của người tiêu dùng. Mức giá xăng, dầu hiện nay đã tương đương với thời điểm tháng 1-2022. Tuy nhiên, thực tế đến thời điểm hiện tại, giá của nhiều mặt hàng thiết yếu trong nước vẫn tiếp tục neo ở mức cao như giá thịt heo, cước vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, lương thực, thực phẩm… làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, đặc biệt là trong giai đoạn cả nước đang nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch 2 năm vừa qua.
Trước tình hình này, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm - Thực trạng và giải pháp” vào chiều 4-8.
Trước đó, ngày 31-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, nhất là sau khi giá xăng dầu giảm.
Thực hiện công điện của Thủ tướng, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT đã yêu cầu các Sở GTVT khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các đoàn thanh, kiểm tra, rà soát các yếu tố hình thành giá trong các bảng kê khai vận tải đường bộ và các lĩnh vực liên quan. Triển khai niêm yết giá và thực hiện đúng theo quy định niêm yết. Tổng cục Đường bộ cũng phải tổng hợp, thống kê tình hình và kiểm tra các Sở GTVT, các cục đường bộ, hàng hải, hàng không, thủy nội địa, đường sắt triển khai công tác tương tự liên quan đến chuyên ngành của mình.
Theo ông Trần Bảo Ngọc, đối với vận tải, ví dụ như vận tải đường bộ, taxi, bên cạnh việc thực hiện kê khai giá với Sở GTVT còn phải điều chỉnh đồng hồ tính tiền, in lại cái tờ niêm yết giá… vì vậy sẽ có độ trễ, trong một khoảng thời gian nhất định.
“Nhưng tôi cho rằng không nên trễ quá, phải kịp thời để đáp ứng nhu cầu. Khi giá xăng dầu - yếu tố chiếm đến 30-40% chi phí cấu thành đã giảm rồi mà giá vận tải chưa kịp giảm hoặc giảm chậm thì không đúng”, ông Trần Bảo Ngọc nêu quan điểm.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Vận tải, lực lượng chức năng sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm các vi phạm về kê khai, niêm yết giá đối với những đơn vị “chỉ có tăng mà không có giảm”. Chúng ta đã có đầy đủ công cụ, có nghị định quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý giá. Doanh nghiệp phải kê khai giá, niêm yết giá, thu giá theo đúng như đã niêm yết, nếu vi phạm bị xử lý hành chính, đặc biệt, có thể phải trả lại tiền cho hành khách nếu thu quá. Biện pháp mạnh hơn là các đơn vị chức năng sẽ thu hồi phù hiệu của doanh nghiệp kinh doanh.
Bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cho biết thêm, trước việc giá xăng dầu giảm trong thời gian vừa qua và giá nhiều mặt hàng có xu hướng neo cao, Bộ Tài chính đã tham mưu các biện pháp tăng cường quản lý điều hành giá và đã trình Chính phủ ban hành công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ giá cả dịch vụ khi giá xăng dầu giảm trong các kỳ điều hành vừa qua.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã và đang trình Chính phủ phương án điều chỉnh thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu và thuế nhập khẩu đối với xăng động cơ không pha chì nhằm giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu. Tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu, trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu các đơn vị thực hiện kê khai giá kịp thời để giảm giá.
Về giá sách giáo khoa, Bộ Tài chính đang phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT để tiếp tục kê khai, bảo đảm các doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí, hạ giá thành sách, từ đó giảm giá sách giáo khoa.
Tham gia tọa đàm, về việc xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đồng ý có độ trễ nhưng không thể là hàng tháng, thậm chí mấy tháng, mà chỉ sau một vài tuần phải điều chỉnh ngay. Do đó, sự vào cuộc của cơ quan chức năng cần phải sát tình hình hơn nữa. Người dân cũng có quyền phản ánh với các cơ quan chức năng nếu thấy giá xăng dầu giảm mà giá vận tải, giá một số mặt hàng mua bán, đi lại vẫn như cũ.
“Các cơ quan chức năng phải có các biện pháp xử lý kịp thời, không để người dân cảm thấy nản lòng vì kiến nghị nhiều mà không được xử lý”, chuyên gia Cấn Văn Lực phát biểu.
Đồng quan điểm, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, vấn đề này cần có các giải pháp đồng bộ. Thứ nhất, cần bảo đảm cung cầu hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là giảm các khâu trung gian.
“Ví dụ, 1 kg thịt heo trang trại bán lẻ tăng giá lên tới 170% do các khâu trung gian. Đó là yếu tố tồn tại từ lâu phải khắc phục để giải quyết bài toán giá”, ông Phú nêu.
Thứ hai, phải sử dụng sức mạnh của hệ thống chính trị, ngoài biện pháp hành chính thì phải huy động hiệp hội bán lẻ, hiệp hội doanh nghiệp, Mặt trận Tổ quốc, các chợ, khu phố vận động để những người buôn bán tự giác giảm một phần giá hàng hóa theo tiến độ giảm giá xăng dầu, chia sẻ khó khăn chung với xã hội. Nếu triển khai đồng bộ các giải pháp thì các chỉ đạo của Chính phủ sẽ được triển khai hiệu quả, đi vào cuộc sống, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 4%.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cũng chỉ ra, phải có giải pháp đồng bộ, đặc biệt không nên phản ứng thái quá câu chuyện về giá cả. Công tác thanh tra kiểm tra giám sát cần làm mạnh hơn nhưng song song với việc tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp, đó là phải tạo văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh.
“Chúng ta hy vọng thời gian tới giá cả xăng dầu thế giới, giá lương thực thực phẩm sẽ theo chiều hướng dịu hơn. Không nên lo lắng thái quá với lạm phát mà không dám làm gì. Nếu siết chặt lạm phát có thể khiến kinh tế đình trệ, thiếu nguồn cung, về lâu dài lại khiến giá tăng. Tâm lý lạm phát quan trọng, do đó cần đẩy mạnh truyền thông giúp giảm bớt tâm lý lạm phát, té nước theo mưa”, chuyên gia Cấn Văn Lực nêu.