Lấn chiếm, mở lối đi riêng
Hành lang tuyến đường sắt Bắc-Nam đi qua địa phận TP Thủ Đức, quận Gò Vấp, quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận và quận 3. Trong đó, có nhiều nơi hành lang đường sắt đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng nặng nhưng chưa được duy tu, sửa chữa kịp thời. Nhiều đoạn hàng rào bị người dân phá bỏ, lấn chiếm để trồng cây, một số đoạn còn tràn ngập rác thải sinh hoạt.
Tại khu vực đường sắt dọc theo đường Kha Vạn Cân (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức), hành lang đường sắt có nhiều trụ bê tông nứt vỡ, đứt đoạn, nhiều đoạn bị người dân tự ý mở lối đi riêng băng ngang đường sắt, nguy cơ mất an toàn giao thông.
Anh Trần Nguyễn Quốc Hồng (42 tuổi, ngụ đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) cho biết: “Trên địa bàn, hành lang đường sắt xuống cấp nghiêm trọng, nhiều người dân vẫn vô tư lấn chiếm, xả rác tràn lan, thậm chí còn băng qua đường ray, trông rất nguy hiểm”. Lo lắng trước những nguy cơ mất an toàn, anh Hồng kiến nghị chính quyền địa phương nên có biện pháp như xử lý các hộ dân lấn chiếm trái phép, cắm biển báo, xây dựng hành lang kiên cố…
Dọc theo tuyến đường sắt trên đường Trần Văn Đang (quận 3), tuyến đường Chiến Thắng (quận Phú Nhuận), nhiều người dân còn lấn chiếm, tự ý mở lối, rào chắn từng đoạn để trồng cây, trồng rau. Cùng với đó là tình trạng nhếch nhác với nhiều bãi rác công cộng bốc mùi hôi thối, mất mỹ quan đô thị. Nguy hiểm hơn, nhiều hộ dân sống cạnh đường ray còn lấn chiếm hành lang để buôn bán phế liệu, trồng rau, cây cảnh, phơi quần áo.
Chị Bùi Minh Thiết (30 tuổi, người dân sống trên đường Trần Văn Đang, quận 3) cho hay: “Nhiều người dân tại khu vực này vẫn còn chủ quan, chưa ý thức được sự nguy hiểm, điển hình như một số hộ còn lấn chiếm hành lang đường sắt để trồng cây, buôn bán phế liệu. Cơ quan chức năng cũng không có động thái gì mạnh tay nên tình trạng cứ kéo dài”.
Tương tự, tuyến đường sắt đoạn qua đường Thích Quảng Đức (quận Phú Nhuận), Trương Đăng Quế (quận Gò Vấp), nhiều người dân cũng tự ý cắt hàng rào để trồng cây, nuôi gà, phơi quần áo. Nhiều hộ dân sống hai bên đường ray còn xả thẳng rác thải sinh hoạt khiến vừa mất vệ sinh, vừa nguy cơ mất an toàn cho hành trình của những chuyến tàu.
Cần xử lý mạnh tay
Theo Nghị định số 56/2018/NĐ-CP quy định khoảng cách từ đường ray đến lá chắn an toàn khu vực trong đô thị phải có chiều rộng 5m. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm, xả rác xung quanh hành lang an toàn đường sắt khiến khoảng cách này đang bị thu hẹp, không chỉ tạo nên cảm giác bất an mỗi khi tàu chạy qua, mà còn là nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn nguy hiểm, làm ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.
Một nhân viên gác tàu tại phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức cho hay: “Chúng tôi không có quyền lập biên bản hay xử phạt, chỉ có thể nhắc nhở người dân nhưng cũng không mấy hiệu quả, mong ngành chức năng có biện pháp xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm”.
Ông Nguyễn Đình Đảng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn thừa nhận, hiện trên địa bàn TPHCM còn xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm hành lang đường sắt và nạn xả rác thải bừa bãi.
Ông Đảng cho biết: “Rác ở hai bên hành lang đường sắt chủ yếu là do những hộ dân xung quanh xả xuống, có khi có cả các vật dụng bàn ghế, chậu kiểng. Thậm chí, nhiều người dân còn tự ý mở lối, lấn chiếm hành lang để trồng cây, trồng rau. Hàng năm, đoàn thanh niên và nhân viên vệ sinh của công ty thường xuyên ra quân dọn dẹp rác thải, đồng thời ra văn bản đề nghị các quận tuyên truyền người dân không lấn chiếm hành lang và không xả rác bừa bãi”. Tuy nhiên, thực tế tình hình không cải thiện bao nhiêu.
Để chấm dứt tình trạng vi phạm hành lang đường sắt, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần vào cuộc một cách quyết liệt, thường xuyên tuần tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm đối với các trường hợp cố tinh vi phạm. Ngoài xử lý vi phạm hành chính, chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức người dân không lấn chiếm, vứt rác bừa bãi để đảm bảo an toàn hành lang đường sắt.