Không biết ai chỉ, bà chủ viện thẩm mỹ ở tận miền Viễn Tây Hoa Kỳ điện thoại về cho người em gái ở Việt Nam đòi phải gấp rút tìm đến nhà ông Lục để “thỉnh” lá bùa “mua may, bán đắt”. Bà nói giá cả không thành vấn đề và lệnh bằng mọi giá lá bùa đó phải “bay” qua Mỹ càng sớm càng tốt. Chưa đầy 10 ngày sau, tiệm “neo” (dịch vụ làm móng tay chân) nườm nượp khách. Đến giờ bà chủ vẫn đều đặn gửi tiền về Việt Nam để “thỉnh” bùa và quên mất mình đang sở hữu một “quới nhân” còn “linh” hơn mấy cái chữ loằng ngoằng mà sáng nào bà cũng đốt…
Kiều nữ bán cà phê
Không sở hữu sắc đẹp “nghiêng thành đổ nước”, nhưng lần đầu tiên gặp Mỹ Xuân ai cũng không khỏi nao lòng với cái duyên con gái. Nước da ngăm ngăm đen, mái tóc dài óng ả, hai đồng tiền sâu hoắm và cái miệng móm móm hay cười, chỉ đơn giản vậy thôi nhưng quán cà phê lúc nào cũng đông khách. Thậm chí hết bàn, ghế thì khách cũng sẵn lòng ngồi chèm bẹp để thưởng thức cà phê của cô chủ. Có lẽ chính vì vậy, mà trong một lần tình cờ uống cà phê ở quán nhỏ góc đường này, ông Vanek - một người Pháp đang làm việc ở bang Texas, Hoa Kỳ - bị “nghiện” rất nặng. Ông lật đật làm thủ tục “rinh” cái quán cà phê cùng cô chủ của nó về Mỹ quốc.
“Nhập gia tùy tục”, theo chồng về xứ lạ, Mỹ Xuân vẫn nhớ da diết nghề cũ. Nhưng khổ nỗi, dân Mỹ đâu có thói quen la cà quán cà phê. Thấy vợ buồn, ông Vanek khuyên vợ làm nghề “truyền thống” của Việt kiều bên này. Sau gần 1 năm, Mỹ Xuân có bằng “neo” (nail – tiếng Anh là làm móng tay, móng chân). Đó cũng là lúc ông Vanek về hưu và ông dốc hết sản nghiệp để thuê mặt bằng mở tiệm “neo” cho vợ. Khổ nỗi, quán cà phê ở góc đường bên Việt Nam thì khách nườm nượp, còn tiệm “neo” đèn đuốc sáng trưng, máy điều hòa rì rì, bàn ghế toàn loại “mode” nhất, nhưng khách vẫn vắng. Cả ngày, lèo tèo mấy bà Mễ (người Mexico), tiền “típ” (tiền phục vụ) lìu xìu quá, thợ xin nghỉ gần hết, dù Mỹ Xuân liên tục tăng lương. Hai vợ chồng buồn nẫu ruột. Chiều hôm đó, một khách người Việt Nam ghé tiệm “neo” của Mỹ Xuân trang điểm để đi đám cưới.
Nhìn quán vắng đìu hiu, bà khách chạnh lòng, nói: “Tiệm của cô khá sang trọng, nhưng sao vắng khách quá. Chắc là bị “tụi nó” ếm rồi. Tôi biết ông Lục ở Sài Gòn giỏi lắm. Cô xin thầy mấy lá bùa để hóa giải đi!”. Nói xong, bà khách tốt bụng cho Mỹ Xuân địa chỉ và số điện thoại ông Lục. Trước khi chia tay, bà khách còn không quên dặn dò khá kỹ lưỡng: “Ông Lục khó lắm, lúc điện thoại cô phải nhớ nói “pass” (pass word - mật khẩu) để được ông Lục tiếp đón. Nhiều người không có “pass” nên không bao giờ gặp được ông Lục!”. Bà khách vừa ra khỏi cửa, Mỹ Xuân liền điện thoại về cho cô em gái ở Hà Nội tức tốc “bay” vào Sài Gòn gặp ông Lục.
Quới nhân xuất hiện
Cũng như các tiệm “neo” ở Mỹ, tiệm của Mỹ Xuân cũng có vài thợ chưa có bằng cấp và một số người Việt qua thăm thân nhân nhưng tranh thủ làm thêm kiếm tiền. Mỹ Xuân tâm sự: “Đương nhiên, những người đó nhận lương ít hơn thợ có bằng cấp. Mình có thêm thu nhập và họ cũng vậy. Chỉ mong sao cảnh sát đừng phát hiện, tiền phạt nặng lắm…”. Một trong những người thợ đó là Lê Hồng Dũng, một thanh niên quê quán ở tỉnh Cà Mau. Do có thân hình lực lưỡng, tóc cắt đầu đinh và khuôn mặt góc cạnh, hao hao tài tử cơ bắp Arnold nên được mọi người đặt biệt danh là Ặc-nôn Lì. Trước khi về “đầu quân” tiệm của Mỹ Xuân, Ặc-nôn đã từng… bị đuổi, với cùng một lý do là làm chảy máu “thượng đế”. Nghĩ cũng tội, cái bàn tay cầm cuốc quen rồi, qua bên này cầm cây kềm cắt móng có chút xíu thì hỏi sao không cắt phạm vào da của khách.
Trưa hôm đó, 3 chiếc ô tô dừng xịch ngay trước cửa tiệm “neo” của Mỹ Xuân. Hơn chục thanh niên cả Tây lẫn ta lặng lẽ bước vào tiệm.
Tưởng gặp “khách xộp”, Mỹ Xuân xăng xái chạy ra đón chào. Trong lúc tay người Mỹ cạo cái đầu trọc lóc, 2 tay xăm hình quái thú, nói chuyện gì đó với Mỹ Xuân thì cái thằng nhóc ốm ốm người Việt, có khuôn mặt dài dài, râu quai nón, đôi mắt thất thần như phê ma túy, ngồi phịch lên ghế. Tiện tay hắn cầm cây kềm cắt móng đâm phầm phập xuống ghế.
Một thằng da đen khác, tay đeo cái phôn (tai nghe) lẳng lặng đi vào giữa nhà nhảy cà giật, cà tưng. Đã vậy lâu lâu hắn còn la oai oái. Một số khách đứng dậy đi thẳng ra cửa. Ặc-nôn Lì đang ngồi cắt móng cho một bà Mễ liền dừng tay. Ặc-nôn lén đẩy cửa hông và đi thẳng ra chiếc ô tô của mình. Cả đám đang nói chuyện bỗng nghe ầm ầm. Đúng phong cách của “Kẻ hủy diệt” (tên một bộ phim do Arnold thủ vai chánh), Ặc-nôn Lì đeo kiếng đen và cởi áo để lộ bắp thịt cuồn cuộn. Ặc-nôn Lì cầm cây súng săn trở bá đập ầm ầm vào kính ô tô và la lớn: “Bà mẹ tụi mày, xe tao mà tao còn dám… đập! Cái đầu của tụi mày chịu nổi không?”. Không biết cái đám kia có nghe được tiếng Việt không, nhưng rõ ràng thái độ của Ặc-nôn Lì khá quyết liệt và dứt khoát.
Sau khi đập bể kính xe… của mình, Ặc-nôn Lì chồm người vào bên trong lấy thêm một cây “mã” (mã tấu, dao dài) dài hơn nửa thước và được xi bóng lưỡng. Tay trái bồng súng chĩa lên trời, tay phải Ặc-nôn Lì kéo lê cây “mã” dưới lề đường. Hình như chưa đủ “ép phê”, Ặc-nôn Lì thò tay vào túi lấy viên đạn chài đưa lên miệng cắn chặt giữa 2 hàm răng. Đám cô hồn trong tiệm “neo” không kịp phản ứng, há hốc mồm, trợn mắt nhìn ra ngoài sân. Đến trước cửa tiệm, Ặc-nôn Lì chửi lớn: “Bà mẹ tụi mày. Đụng đến em gái của Châu “râu” là tụi bây “ngán cơm” rồi!”. Ặc-nôn Lì đi thẳng vào tiệm, đi đến đâu đám đông dạt ra đến đó. Thằng nào cũng nhìn trừng trừng cây súng săn của Ặc-nôn Lì. Súng săn, đạn chài bắn một phát, đạn tuôn ra cả rổ, con tê giác còn… rên, huống chi mấy thằng người trần, mắt thịt. Đến ngay cái thằng có râu quai nón người Việt đang ngồi trên ghế, Ặc-nôn Lì hét lớn: “Mày đâm như vậy ăn thua gì. Phải chém như tao nè!”. Nói rồi, Ặc-nôn Lì chém cái bụp vào thành ghế. Một thằng người Việt khác trong đám bước đến gần Ặc-nôn Lì nói nhỏ: “Tưởng ai xa lạ. Em gái anh Châu mà tụi này không biết. Thôi! Anh em với nhau cả mà. Hồi ở Sài Gòn tôi có biết đại ca Châu”. Nói rồi cả đám lủi thủi đi ra khỏi tiệm “neo” của Mỹ Xuân.
Lén đốt bùa ông Lục
Khi đám “lục lăng” bỏ đi đã xa, Mỹ Xuân liền lôi Ặc-nôn Lì vào phòng riêng. “Sao em liều quá vậy. Tụi nó đòi tiền bảo kê thì chị trả. Em cầm súng đi ngời ngời, cảnh sát mà thấy là “nặng tội” lắm đó! Ông Châu “râu” là ai mà tụi nó sợ dữ vậy?”. Ặc-nôn Lì cười rất hiền và nói: “Chị biết rồi, em chưa có bằng cấp và trước đây em làm ở rất nhiều tiệm, nhưng về tiệm này thì chị thương nên chị chưa… đuổi. Chị dám che chở cho em thì em đâu có tiếc gì. Em đập là đập xe của mình chứ đâu có đập chiếc xe nào của tụi nó đâu mà tụi nó phản ứng. Chiếc xe có vài ngàn đồng với lại tấm kính cũng bị nứt và em tính bữa nào rảnh đi thay. Còn anh Châu “râu” là tay giang hồ cộm cán tại khu Mã Lạng, Đồng Tiến ở quận 1. Hồi còn ở Việt Nam em nghe người ta nói như vậy, chứ thật sự em chưa gặp mặt anh Châu “râu” bao giờ!”.
Sau đó khoảng tuần lễ, Ặc-nôn Lì được Mỹ Xuân tin tưởng giao cho nhiệm vụ quản lý. Bó bùa của ông Lục cũng đã bay qua Mỹ. Theo lời kể của cô em gái ở Việt Nam thì ông Lục cho biết tiệm “neo” của Mỹ Xuân bị âm binh trù ẻo, nên khách rất ngại vào. Do vậy, ông Lục đã “điều binh, khiển tướng” qua bên Mỹ để giúp đỡ cho tiệm “neo” của Mỹ Xuân. Mỗi sáng, trước khi khai trương, chính tay bà chủ phải lén đốt một lá bùa mà thầy gửi qua. Đợt đầu, thầy cho 50 lá bùa. Chi phí cũng cả ngàn đôla chứ đâu có ít ỏi gì. Kể từ đó công việc kinh doanh của tiệm “neo” càng ngày càng phát triển. Nhưng, Mỹ Xuân vẫn nghĩ đó là nhờ bùa ông Lục mà quên mất sự kiện Ặc-nôn Lì xách súng đuổi cái đám bảo kê để bảo vệ tiệm “neo”.
Kỳ sau: Theo chân “thầy” Lục.
ĐOÀN HIỆP
>> Xâm nhập thế giới bùa ngải - Chuyện nàng hoa hậu