Bà Thuỷ cho biết, theo số liệu thống kê, mỗi năm cả nước có trên 1.300 trẻ em bị xâm hại tình dục, với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Sự việc nghiêm trọng như vậy, nhưng có dấu hiệu bị bỏ qua, bị bỏ lọt, rất khó khăn cho quá trình xử lý vụ án.
Theo ĐB, có một thực tế là cả gia đình và nhà trường đều chưa quan tâm trang bị cho trẻ các kiến thức cần thiết về giới tính, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Sau khi vụ việc xảy ra gia đình không báo với chính quyền, cam chịu bỏ qua, chấp nhận đau đớn.
Trong khi đó, Luật Giám định tư pháp không có quy định với trường hợp này, mà chỉ quy định về giám định chung. Gia đình người bị hại không có quyền yêu cầu giám định ngay, mà chỉ sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án.
Về công tác quản lý Nhà nước với trẻ em nói chung và với trẻ em bị xâm hại nói riêng, đại biểu nêu rõ “còn nhiều hạn chế”. Theo quy định pháp luật hiện hành, có 15 cơ quan có trách nhiệm, trong đó Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan đầu mối. Nhưng đến nay chưa có cơ quan nào có số liệu chính xác về tình trạng trẻ em bị xâm hại. Tất cả đều lấy số liệu theo các vụ án bị khởi tố.
“Nếu lấy theo số liệu này không phản ánh đúng tình hình, vì có trường hợp trẻ em và gia đình chấp nhận im lặng bỏ qua. Không đánh giá được tình hình sẽ không có biện pháp phù hợp”, đại biểu nói.