Sáng 25-6, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã tổ chức hội thảo “MTTQ Việt Nam với công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em – thực trạng và giải pháp”.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, hiện nay số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhiều hơn, mức án cũng nghiêm khắc hơn so với trước. Nhưng số vụ xâm hại trẻ em vẫn có chiều hướng gia tăng, mức độ nghiêm trọng hơn. Một trong những nguyên nhân là do các quy định về pháp luật vẫn còn nhiều vướng mắc. Các hành vi xâm hại trẻ em như dâm ô, khiêu dâm, cưỡng dâm, hiếp dâm, thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.. tuy đã được quy định trong Bộ luật Hình sự nhưng các cơ quan tư pháp, nhất là cơ quan điều tra cho rằng cần phải quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn để xử lý đúng với hành vi phạm tội, tránh oan sai. Quy trình xử lý các vụ xâm hại tình dục nói chung, xâm hại tình dục trẻ em nói riêng của các cơ quan tiến hành tố tụng có một số nội dung chưa sát với thực tiễn, ảnh hưởng đến việc xác định nhanh chóng, chính xác đối tượng và hành vi phạm tội…
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) thông tin, trong 2 năm 2017-2018 và 3 tháng đầu năm 2019, toàn quốc đã xảy ra 3.449 vụ xâm hại trẻ em với 3.546 trẻ em bị xâm hại. Trong số 75 quốc gia được thống kê, Việt Nam xếp thứ 49, sau Myanmar (xếp thứ 30) và Malaysia (xếp thứ 40) về số vụ trẻ bị xâm hại.
Tại Việt Nam, số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý có giảm nhưng không nhiều. Tính chất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi, do nhiều loại đối tượng gây ra, trong đó phần lớn là người quen, họ hàng, hàng xóm, không chỉ người Việt Nam mà cả người nước ngoài và có cả trường hợp xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Nhiều vụ việc gia đình không cung cấp thông tin, thông báo, tố giác tới các cơ quan chức năng, vì sợ ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình. Thủ phạm có sự đe dọa hoặc dùng tiền mua chuộc, hòa giải với gia đình của nạn nhân.
Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, bạo lực, xâm hại tình dục gây tổn thương nặng nề đến cả thể chất và tinh thần trẻ em, thậm chí làm trẻ em tử vong hoặc khiến trẻ em phải tự tử. Đa số các quốc gia đều kiên quyết đấu tranh với tệ nạn xã hội này. Trong thời gian qua, một số vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận như em gái 11 tuổi bị cả cha đẻ và ông nội xâm hại tình dục tại Vĩnh Long. Em gái 13 tuổi tự tử sau khi bị một người hàng xóm xâm hại tình dục nhiều lần ở Cà Mau. Nhiều vụ dâm ô trẻ em xảy ra tại TPHCM, Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu… Cùng với đó, bạo lực trẻ em ở cả trong và ngoài học đường đều diễn ra nhiều nơi.
“Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ngày càng có xu hướng tăng lên, phức tạp hơn, các vụ gọi đến Tổng đài quốc gia vì trẻ em ngày càng nhiều hơn. Đây là tảng băng chìm mà chúng ta đang phải đối mặt. Dự báo, năm 2019 sẽ còn tăng lên”, ông Hoa Nam nói.
Bởi người dân lên tiếng tố cáo sẽ ngày càng nhiều hơn, đó là nhờ một phần vào sự tiến bộ của xã hội. Theo ông, người dân ngày càng lo lắng, bất an về sự an toàn của con em mình, ít người dám thả con mình ra đường, vì quá nhiều rủi ro: bị xâm hại tình dục, tai nạn. Do đó, các phụ huynh và chính bản thân học sinh phải tự trang bị rất nhiều kiến thức của mình để tự bảo vệ. Song song đó, hoàn thiện các quy định pháp luật để bảo vệ tốt nhất cho trẻ em, nhất là chế tài xử hình sự với hành vi dâm ô với trẻ em mà vừa qua xã hội rất bức xúc.
Đề xuất giải pháp tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong thời gian tới, ông Đặng Hoa Nam cho rằng, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, phải hoàn thiện và thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo hành, xâm hại và can thiệp kịp thời các vụ việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em. Đồng thời tăng nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em bao gồm bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em, bố trí ngân sách địa phương để thiết lập, triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, thành lập nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã.
“Đặc biệt, Mặt trận phải đưa công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em đến Ban công tác Mặt trận ở địa bàn dân cư. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em của các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương”, ông Đặng Hoa Nam đề nghị.