Xác thực sinh trắc học khi giao dịch trực tuyến: Người dân mong thuận lợi, tiện dụng

Ngày 25-6, Báo SGGP có bài viết về việc triển khai Quyết định số 2345/2023 của Ngân hàng Nhà nước quy định sinh trắc học khuôn mặt khách hàng khi thực hiện các giao dịch trực tuyến. Tuy nhiên, quá trình cập nhật phần mềm chưa được suôn sẻ do một số điện thoại thông minh thiếu tính năng hoặc chưa tương thích, cần sự hỗ trợ nhiều hơn của hệ thống ngân hàng. Báo SGGP xin giới thiệu ý kiến của bạn đọc xung quanh vấn đề này.

* Ông NGUYỄN TUẤN, phường 19, quận Bình Thạnh, TPHCM:

Phần mềm cần ổn định hơn

Theo quy định mới, từ sau ngày 1-7, việc chuyển số tiền trên 10 triệu đồng phải được xác thực nhận diện khuôn mặt. Đây là một trong các giải pháp bảo vệ giao dịch của khách hàng, đề phòng kẻ xấu thực hiện các chiêu trò để lừa đảo người dân. Thời gian qua, ngân hàng cũng đã phát hiện và kịp thời ngăn chặn nhiều vụ lừa đảo, chuyển tiền theo ý đồ của bọn xấu. Tuy nhiên, phần mềm trực tuyến để thực hiện cập nhật dữ liệu sinh trắc học đang gặp khá nhiều trở ngại.

Tôi đã nhiều lần làm theo hướng dẫn để cập nhật dữ liệu sinh trắc học trên phần mềm của ngân hàng, nhưng rất gian nan và phải thực hiện tới lui vài lần. Trước tiên là quét mã QR trên CCCD, mặc dù tôi làm đúng theo hướng dẫn nhưng không thực hiện được. Phần mềm tự ngắt và tôi phải khai báo lại từ đầu. Khi quét được mã QR thì đến phần chụp ảnh khuôn mặt.

Z4d.jpg
Quét thông tin CCCD không phải lúc nào cũng thành công khi cập nhật sinh trắc học qua app ngân hàng. Ảnh: TẤN BA

Tuy tôi đã chọn vị trí đủ sáng, không chói và đưa máy điện thoại từ xa đến gần theo đúng yêu cầu, nhưng phần mềm vẫn tự ngắt. Hơn nửa giờ đồng hồ khai báo, cập nhật… nhưng vẫn không được, tôi rất nản. Tôi đang sử dụng ĐTDĐ loại tốt, wifi nhà tôi khá ổn định mà còn khó khăn như vậy thì những khách hàng xài ĐTDĐ loại thường, sử dụng ké wifi nhà hàng xóm hay cửa hàng thì sẽ ra sao?

* Ông THÁI HOÀNG AN, phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TPHCM:

Một quyết định cần thiết, kịp thời

Thời gian qua, liên tục xảy ra các vụ việc người dân bị đối tượng xấu lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng nhiều thủ đoạn khó lường và công nghệ ngày càng tinh vi, phức tạp. Các đối tượng lừa đảo thường giả danh công an, thanh tra giao thông… nên người bị lừa khó phát hiện. Không chỉ những công nhân, người lao động bình thường mà nhiều người có hiểu biết, am hiểu thông tin xã hội vẫn bị lừa, với số tiền bị chiếm đoạt từ hàng chục triệu đến cả trăm tỷ đồng.

Để ngăn chặn tình trạng kẻ gian sử dụng công nghệ để chiếm đoạt tài sản, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 2345/QĐ (triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước), theo đó yêu cầu từ ngày 1-7, việc chuyển tiền qua tài khoản hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt hoặc vân tay.

Đây là một quyết định đúng đắn, kịp thời nhằm giúp người dân tránh bị lừa đảo. Người dân đồng tình, ủng hộ quy định mới này của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, để công nghệ mới được áp dụng rộng rãi thì cần phải có thời gian và sự hỗ trợ tích cực từ ngành ngân hàng, cơ quan bảo vệ pháp luật.

* Ông NGUYỄN CÔNG BÌNH, phường Tân Hưng, quận 7, TPHCM:

Ngân hàng cần đồng hành với người dân

Trước tình trạng lừa đảo bằng công nghệ cao nhằm chiếm đoạt tiền của người dân, Ngân hàng Nhà nước quy định người dân sử dụng khuôn mặt, vân tay khi thực hiện giao dịch là hết sức cần thiết. Với quy định mới, người dân phải sử dụng công nghệ, với nhiều thao tác trên phương tiện điện tử, khi giao dịch chuyển tiền. Những thao tác cũng như phương tiện công nghệ sẽ không khó đối với thế hệ trẻ, người dân sống ở thành phố, nhưng là điều khó khăn đối với không ít với người dân ở nông thôn, miền núi, đặc biệt là người già, hưu trí.

Họ thiếu cả kỹ năng sử dụng lẫn thiết bị điện tử. Vì thế, để quy định mới phát huy hiệu quả, ngân hàng cũng như các tổ chức tín dụng cần đồng hành, hỗ trợ khách hàng. Ngoài công tác tuyên truyền, phổ biến quy định mới, những thao tác trên phương tiện điện tử cũng cần đơn giản, nhanh gọn để những người lớn tuổi, tiểu thương, người dân ở nông thôn, vùng núi dễ dàng thực hiện.

* Ông PHAN VIỆT HẢI, Phó Tổng Giám đốc BVBank:

Khách hàng không cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua trang web hay ứng dụng không phải do ngân hàng cung cấp

Để đảm bảo giao dịch của khách hàng được xuyên suốt và không bị gián đoạn, từ ngày 27-6-2024, BVBank sẽ bắt đầu tiến hành thu thập sinh trắc học khuôn mặt của khách hàng đối với tất cả các khách hàng hiện hữu đang sử dụng Ngân hàng số Digimi.

Xác thực sinh trắc học bằng công nghệ NFC là công nghệ sử dụng cảm ứng từ trường để thực hiện kết nối thiết bị (smartphone, tablet…) với CCCD gắn chip nhằm chuyển đổi dữ liệu, qua đó nhận diện và xác minh cá nhân thông qua đặc điểm sinh học là hình ảnh khuôn mặt.

Nhằm đảm bảo việc xác thực sinh trắc học khuôn mặt của khách hàng được bảo mật, BVBank khuyến nghị khách hàng nâng cao cảnh giác, không cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua bất kỳ trang web hay ứng dụng nào khác. BVBank cũng sẽ không yêu cầu khách hàng cung cấp OTP, mật khẩu, số thẻ, mã khóa bảo mật… qua điện thoại hoặc qua đường dẫn (link).

Tin cùng chuyên mục