![Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/bcgmbliv/2025_02_07/dung-7-6041-7436.jpg.webp)
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, điểm mới trong dự thảo nghị quyết này là tập trung ưu tiên bố trí vốn để thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, dự án kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Cũng trong diện ưu tiên là các chương trình, nhiệm vụ, dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tư pháp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, năng lượng nguyên tử, hạ tầng số, vi mạch bán dẫn, giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, chuyển đổi xanh.
![Đại biểu dự họp DƯj 7.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/hgubgt/2025_02_07/duj-7-6927-9533.jpg.webp)
Đối với ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương, dự thảo bổ sung một số tiêu chí làm cơ sở tính điểm như khu vực chịu tác động của công trình quốc phòng và khu vực quân sự nhóm đặc biệt; xã đặc biệt khó khăn vùng III; ưu tiên địa phương theo các nghị quyết đặc thù của Quốc hội.
Công tác bố trí vốn nước ngoài đổi mới theo hướng đảm bảo bố trí vốn cho dự án chuyển tiếp, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mức vốn nước ngoài còn lại (nếu có) được quản lý thống nhất tại Trung ương, để bố trí cho chương trình, nhiệm vụ, dự án phát sinh trong kỳ trung hạn sau khi hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.
Vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 sẽ ưu tiên bố trí cho dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị
- Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, cơ bản nhất trí với các nội dung dự thảo, song đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan phối hợp rà soát kỹ quy định tiêu chí phân bổ vốn đối với các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài, để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp quy định mới của Luật Đầu tư công.
![Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày quan điểm thẩm tra MẠNH 7.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/hgubgt/2025_02_07/manh-7-1200-2539.jpg.webp)
Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định, cần khắc phục được tình trạng phân bổ dàn trải và phân bổ hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực quan trọng.
Chỉ rõ một số hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ KH-ĐT ưu tiên bố trí vốn cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
“Tổng Bí thư Tô Lâm nói ngay kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội phải có nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Luật chưa sửa, nhưng phải có nghị quyết tháo gỡ. Tổng Bí thư hết sức sốt ruột, nói đợi đến kỳ họp Quốc hội tháng 5 thì xa quá”, Chủ tịch Quốc hội nói và khẳng định, việc bố trí vốn cho lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ được Quốc hội “ủng hộ ngay, ủng hộ cao”.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, giai đoạn trước có 20.000 dự án đầu tư công, thời kỳ 2016 - 2020 giảm xuống còn 10.000 dự án, nhiệm kỳ vừa qua giảm xuống dưới 5.000.
Nhiệm kỳ này, Thủ tướng yêu cầu giảm xuống dưới 3.000 dự án, tập trung vào dự án lớn, còn lại phân cấp, phân quyền cho địa phương xử lý dự án của địa phương mình.
Bộ trưởng khẳng định, hoàn toàn thống nhất với định hướng ưu tiên cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cũng như những lĩnh vực quan trọng mà nước ta chưa làm và chưa làm chủ được công nghệ.