Giám sát sự lưu hành biến thể Omicron
Tính đến sáng 2-2, TPHCM ghi nhận 2.022 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc trên địa bàn là 537.744 ca, chủ yếu số ca mắc là biến thể Omicron. Số ca mắc tập trung ở huyện Hóc Môn, quận 7, Bình Thạnh, TP Thủ Đức. Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện Omicron đang là biến thể gây bệnh chủ yếu tại thành phố, điều này phù hợp với tình hình dịch bệnh đang gia tăng trong thời gian gần đây và ngành y tế đang triển khai lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên để giám sát sự lưu hành biến thể Omicron trong cộng đồng.
Dựa trên mô hình dự báo khi biến thể Omicron vào TPHCM, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trường Đại học Y Dược TPHCM, thành viên Tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế tại TPHCM, nhận định số ca mắc biến thể Omicron tại TPHCM sẽ còn gia tăng và đạt đỉnh trong khoảng 3 tuần nữa. Cụ thể, kể từ khi phát hiện dịch (ngày thứ 40) đến khi đạt đỉnh dịch (ngày 65) thì thời gian phải là 25 ngày (có nghĩa là hơn 3 tuần). Số ca mắc ở đỉnh dịch có thể lên trên 105.000 người/ngày và số giường chăm sóc bệnh nặng lúc đỉnh có thể lên gần 6.000 giường.
TS Nguyễn Quốc Bình, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, cho rằng, biến thể Omicron hiện đã vượt qua hàng rào miễn dịch của vaccine, khả năng lây nhiễm cao. Tuy nhiên, đối với người đã tiêm vaccine, trong cơ thể vẫn có kháng thể kháng lại virus và hạn chế tác hại của virus. Do vậy, người mắc biến thể Omicron có triệu chứng như mắc cúm thông thường (ho, nhức đầu, sổ mũi, mệt mỏi), cần phải coi những người mắc Omicron đã được tiêm vaccine như mắc cúm.
“Cần phải coi đây là đợt dịch mới nhưng dịch mới tương đương cấp độ của cúm mùa”, TS Nguyễn Quốc Bình nhận định và cho rằng, việc đối mặt với Omicron là không tránh khỏi khi số ca mắc biến thể mới này ở TPHCM tăng lên hàng ngày, nhưng tín hiệu lạc quan hiện tại cho thấy tỷ lệ ca tử vong/ca mắc tương đối thấp, vì vậy không nên dao động bởi số ca mắc. Đối với những người đã mắc biến thể Delta thì khả năng vẫn mắc biến thể Omicron, những người mắc Delta giống như người đã tiêm vaccine rồi, 2 đối tượng này tương đương nhau.
Tiêm chủng là biện pháp cực kỳ quan trọng
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, dù số ca mắc Covid-19 tại thành phố tăng cao nhưng số ca nặng, thở máy, tử vong đang ở mức thấp nhất. Và hiện có khoảng 90% ca mắc đang được cách ly, điều trị tại nhà. Để tăng cường miễn dịch trước biến thể Omicron, theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, tiêm chủng là biện pháp cực kỳ quan trọng. Do đó, người dân cần chủ động liên hệ địa phương để được tiêm chủng khi tới lượt. Bên cạnh tiêm chủng, chiến lược bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cũng cần được tiếp tục đẩy mạnh.
“Để làm giảm tốc độ lây lan dịch bệnh, mỗi người phải thực hiện thông điệp 5K. Khi có triệu chứng bệnh, cần tự cách ly ngay. Nếu xét nghiệm dương tính, người dân cần khai báo cho y tế địa phương để được quản lý, chăm sóc và điều trị cũng như tuân thủ quy định cách ly để hạn chế lây nhiễm cho người khác”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai khuyến cáo.
PGS-TS-BS Vũ Minh Phúc, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Nhi - Trường ĐH Y Dược TPHCM, cho rằng, phải sống chung an toàn với virus bằng biện pháp 5K. Nếu tỷ lệ tiêm ngừa đã cao nhưng số ca nhiễm tăng nhanh, hệ thống y tế cần có các kịch bản đáp ứng kịp thời trong tình huống xấu nhất, như: ngành y tế nên chuẩn bị sẵn sàng thuốc kháng virus trong hệ thống phân phối thuốc công và tư, thuốc cho cả nhóm bệnh nhân nhẹ và nặng; xây dựng lại mạng lưới theo dõi và cung cấp oxy ở tuyến cơ sở, phường - xã, để xử trí sớm và kịp thời các trường hợp chuyển nặng.
Còn theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, để kiềm chế tốc độ mắc Covid-19, ngoài thực hiện quy tắc 5K, cần tạo điều kiện cho người mắc Covid-19, đặc biệt là người có chỉ định được tiếp cận với thuốc kháng virus Molnupiravir, điều này sẽ giúp giảm một phần khả năng phát tán, lây lan cho mọi người. Việc truy vết các trường hợp mắc biến thể Omicron vẫn phải thực hiện đúng đối tượng nhưng không nên cách ly tập trung những ca nhẹ hoặc không triệu chứng. Những ca nhẹ này chỉ cần cách ly, theo dõi tại nhà. Song song đó cần đẩy nhanh công tác tiêm chủng cho trẻ. Đối với trẻ chưa nằm trong diện tiêm chủng cần thực hiện tốt 5K và người nhà cũng cần thực hiện tốt quy định này để bảo vệ, tạo hàng rào xung quanh cho trẻ.
PGS-TS TRẦN ĐẮC PHU - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Số ca mắc tăng trong tầm kiểm soát Diễn biến dịch Covid-19 trong nửa đầu năm 2022 sẽ còn phức tạp do các địa phương nới lỏng hoạt động phòng dịch, mở cửa trường học, mở cửa hoạt động du lịch, kinh doanh dịch vụ... Thời gian tới, các địa phương cần chú ý năng lực kiểm soát, đáp ứng cao khi số ca mắc tăng cao. Đồng thời cần kiểm soát số lượng bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch cũng như ca tử vong, không để tăng cao. Đặc biệt, cần chú ý bảo vệ người cao tuổi, nhiều bệnh nền; kịp thời cách ly, điều trị, khoanh vùng truy vết, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện nay tỷ lệ tiêm vaccine trên cả nước khá cao, tuy nhiên, người dân không được chủ quan lơ là, mất cảnh giác để tự bảo vệ mình, bảo vệ cho người thân và toàn xã hội, thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K. * Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1: Chỉ test nhanh khi có nguy cơ, triệu chứng Người dân chỉ thực hiện việc test nhanh tại nhà khi có nguy cơ, triệu chứng. Có 2 thời điểm cần phải thực hiện test nhanh: thời điểm có triệu chứng cần test nhanh để xem có bị dương tính hay không và thời điểm ngày thứ 5, thứ 7, hoặc ngày thứ 14, người bệnh nên test nhanh Covid-19 để biết đã âm tính hay chưa, tùy thuộc triệu chứng đã cải thiện vào thời điểm nào. Người dân không nhất thiết cần phải tích trữ nhiều test trong nhà và test thường xuyên. Đối với gia đình đông người, có nhiều F0 thì không nhất thiết cần phải test tất cả vì có thể cả gia đình đã bị lây nhiễm, đặc biệt là những thành viên gia đình đã biểu hiện ra triệu chứng. Thời gian chuyển từ âm tính sang dương tính bằng kit test nhanh có thể tùy thuộc từng người, mặc dù nhiễm virus vào cùng một thời điểm. Thay bằng việc quan tâm tới kết quả test hàng ngày thì hãy cách ly và theo dõi sức khỏe theo đúng hướng dẫn. |