Tán thành đề xuất chủ trương đầu tư CTMTQG giảm nghèo bền vững, ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) ghi nhận, giai đoạn 2016 - 2020 đã đánh dấu một bước chuyển mới trong tiếp cận giảm nghèo, đó là tiếp cận theo phương pháp đo lường nghèo đa chiều (chỉ khoảng 30 quốc gia trên thế giới triển khai theo cách này). “Việc thực hiện chương trình này, cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia khác đã tạo ra sự đổi thay đáng kể bộ mặt của nông thôn, miền núi và quan trọng hơn là giúp người nghèo, hộ nghèo thoát nghèo, cải thiện đời sống của mình, được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội tốt hơn”, ĐB Trần Thị Hiền nhận định.
Để chuẩn bị cho giai đoạn tới của CTMTQG giảm nghèo bền vững, ĐB Trần Thị Hiền đề nghị thống nhất chung một Ban chỉ đạo để điều phối, điều hành việc tổ chức thực hiện các CTMTQG có liên quan mật thiết với nhau (CTMTQG xây dựng nông thôn mới; CTMTQG giảm nghèo bền vững) để đảm bảo lồng ghép thực hiện, phát huy hiệu quả nguồn lực, tránh chồng chéo, lãng phí. ĐB cũng lưu ý Chính phủ và các bộ, ngành khẩn trương xây dựng báo cáo khả thi, hoàn thiện các dự án và ban hành các văn bản chính thức để thực chương trình, hướng dẫn rõ ràng các cơ chế quản lý, điều hành, phối hợp, lồng ghép (bao gồm cả về nguồn lực), định mức tài chính…
Đáng lưu ý, ĐB Trần Thị Hiền, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) và nhiều ĐB khác nhấn mạnh yêu cầu ghi rõ mục tiêu, chỉ tiêu về việc làm có thu nhập đối với hộ nghèo để sau này đánh giá hiệu quả chương trình thực chất hơn. Việc bố trí nguồn lực, theo các ĐB, cũng cần được tính toán cho khả thi và đã khi đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu thì cố gắng bố trí đủ nguồn lực…
Giải trình làm rõ thêm một số vấn đề ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo. Chương trình giảm nghèo thời gian qua đã đạt được những thành tựu nổi bật, ngân sách nhà nước đã đầu tư và huy động các nguồn lực cho chương trình ngày càng tăng.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Thời gian qua, chương trình đã điều chỉnh 6 lần, số hộ nghèo đã giảm mạnh. Hiện chúng ta đang áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, là nước đầu tiên ở châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Đầu tư cho chương trình, từ ngân sách nhà nước đảm bảo hoàn toàn, sang Nhà nước chỉ giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt, người dân và hộ nghèo là chủ thể. Đây là bước đi rất dài của nước ta trong giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, là điểm sáng của giảm nghèo”.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, giai đoạn tới, nước ta tập trung vào giảm nghèo đa chiều, theo tiêu chí mới, tỷ lệ hộ nghèo và giảm nghèo ở đầu kỳ sẽ tăng rất cao, nhiều chương trình đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư lớn. Cần đầu tư thỏa đáng để đời sống của người dân tăng, tăng khả năng tiếp cận, để giảm nghèo thực chất và bền vững.
Khẳng định trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH cho biết, mục tiêu bao trùm của chương trình là xóa đói nghèo cho tất cả mọi người, mọi nơi trên đất nước, trong đó có cả hộ nghèo phát sinh và hộ nghèo do tác động của dịch Covid-19, chú trọng các địa bàn khó khăn. Chính phủ chỉ đạo thực hiện có tiêu chí cụ thể, đối tượng địa bàn đầu tư, tích hợp các nguồn lực để mang lại hiệu quả cao nhất trong đầu tư.
“Chính phủ sẽ nghiên cứu cụ thể, cách tiến hành, đảm bảo khả năng cân đối của ngân sách trong thực tế”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cam kết.