Chiều tối 27-4, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức cuộc họp liên quan tới hiện tượng sụt lún đất ở khu trung tâm TP Đà Lạt. Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, bước đầu các chuyên gia đã xác định nguyên nhân gây ra sụt đất tại Đà Lạt do biến động dòng chảy ngầm hình thành từ lâu. Quá trình hình thành dân cư đã lấp đất lên dòng chảy cũ, khi mưa lớn sẽ xuất hiện những dòng chảy ngầm. Đồng thời, khoảng 50 năm trước khu vực xảy ra sụt đất là bãi rác cũ, quá trình phân hủy rác khi gặp lượng nước lớn có thể đã tạo những dòng chảy ngầm gây ra nứt đất.
Trước những diễn biến phức tạp tại khu vực xảy ra sụt đất, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các ban ngành liên quan liên tục khảo sát toàn bộ khu vực. Nếu phát hiện đường ống nước bị rò rỉ thì đóng nước tại khu vực đó. Đồng thời ngay lập tức lấp hết toàn bộ khe nứt bằng xi măng để hạn chế nước mưa bám theo khe nứt thấm xuống lòng đất. Theo các chuyên gia, những ngày qua trên địa bàn thành phố Đà Lạt liên tục xuất hiện mưa lớn, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sụt đất thêm nghiêm trọng.
Trước đó, sáng 27-4, đoàn chuyên gia gồm đại diện Khoa Địa chất - Trường Đại học Bách Khoa TPHCM và Công ty cổ phần Địa chất Kawasaki (Nhật Bản) đã đến Đà Lạt để tìm nguyên nhân và đề xuất giải pháp ứng phó hiện tượng sụt lún đất tại khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt. Thông báo sơ bộ với các chuyên gia, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Tại khu vực xảy ra hiện tượng sụt lún đất, có 13 căn nhà bị nứt tường, trong đó 11 căn dọc đường Nguyễn Văn Trỗi (nhà số 17 đến số 31) và 2 căn ở đường Trương Công Định (phường 2, thành phố Đà Lạt). Vỉa hè trước 11 căn nhà ở đường Nguyễn Văn Trỗi có hiện tượng xé vai (nứt ở khu vực tiếp giáp giữa nền đường và vỉa hè), khoảng hở trung bình 2-3cm.
Hiện tượng nứt nhà và vỉa hè xuất hiện vài hôm trước nhưng đến sáng 26-4 thì vết nứt mở rộng và lan ra nhiều nhà. Đến trưa 27-4, ghi nhận vẫn còn 2 căn nhà bị nứt rộng thêm và có hiện tượng nước xì lên từ vết nứt. Ngành chức năng thành phố Đà Lạt đã thông báo di dời 45 hộ dân trong khu vực.
Qua tìm hiểu, tại khu vực này không có công trình đang xây dựng, không có xe tải trọng lớn đi qua, vì vậy bước đầu nhận định khả năng sụt đất không do tác động của con người mà do tác động của yếu tố tự nhiên (trượt đất, nước ngấm làm mềm đất…).
Theo ông Bùi Trọng Vinh, Phó trưởng Khoa Địa chất - Trường Đại học Bách khoa TPHCM, nhận định ban đầu, sau khi đã loại trừ khả năng ảnh hưởng từ nguồn cấp và thoát nước, thì khả năng sụt lún đất làm nứt nhà cửa là do trời mưa lớn trong vài ngày qua ngấm xuống làm nhão đất, cộng với việc nhà dân hầu hết làm móng đơn. Bên cạnh đó, có thông tin người dân cung cấp, rằng trước đây khu vực này là bãi rác, nền đất yếu. Vì vậy, cần phải khoan địa chất và công nghệ siêu radar để thăm dò ở lòng đất. Còn theo đại diện công ty Kawasaki, do khu vực này có đông dân cư sinh sống, nên cần phải có biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn nước tiếp tục ngấm vào lòng đất. Công ty cũng sẽ lắp đặt thiết bị quan trắc tự động để thu thập dữ liệu, để phân tích, tìm nguyên nhân và hướng xử lý lâu dài.
Ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, cho rằng, thời điểm hiện tại địa phương đã cử lực lượng trực 24/24 giờ, kể cả trong những ngày nghỉ lễ sắp tới nhằm ứng phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.