Theo kết quả khảo sát của một nhóm giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM vừa công bố sáng qua 26-4, trước hàng loạt sự kiện giáo dục diễn ra theo chiều hướng tiêu cực thời gian qua, có đến 46,5% sinh viên sư phạm “cảm thấy lo lắng, hoang mang về sự an toàn của công việc liên quan đến nghề nghiệp trong tương lai”. Trong khi đó, 11% sinh viên cho biết “cảm thấy mất tự tin, xấu hổ khi học ngành sư phạm”.
Nhận thức đúng để không cảm thấy hoang mang
Theo TS Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên Khoa Tâm lý học Trường Đại học Sư phạm TPHCM, kết quả khảo sát, dù không mang tính đại diện hết nhưng rõ ràng cho thấy, thực tế liên tục các vụ việc xung đột diễn ra thời gian qua đã ảnh hưởng bất lợi đến động cơ phấn đấu trở thành nhà giáo mẫu mực trong tương lai của sinh viên, gây khó khăn cho quá trình đào tạo và làm giảm sút hiệu quả đào tạo của trường sư phạm.
Bên cạnh đó, có 26,5% sinh viên cho biết “cảm thấy bình thường vì những việc này tồn tại từ rất lâu rồi”. Những sinh viên này giải thích rằng, trước đây bản thân từng bị giáo viên ở trường phổ thông cư xử tệ, và hiện người thân của họ cũng đang chịu đựng thái độ không đúng mực của giáo viên ở trường phổ thông.
Ngoài việc truyền thụ tri thức, giáo viên còn phải là người truyền cảm hứng,
dạy nhân cách cho học sinh
dạy nhân cách cho học sinh
Vì vậy, những thông tin vừa qua không khiến họ bất ngờ nữa. Nhận định về suy nghĩ này, TS Nguyễn Thị Bích Hồng bày tỏ: “Đây là kết quả phản ánh sự thất vọng của chính một bộ phận sinh viên sư phạm về tư cách, tác phong của người thầy”.
Trước thực tế này, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, cho rằng quan điểm xem học trò là đối tượng để “ban phát” kiến thức, dùng áp lực điểm số đánh giá học sinh đã trở nên lạc hậu trong thời đại bùng nổ khoa học công nghệ.
“Các thầy, cô giáo cần hạ mình xuống ngang bằng với học sinh, xem các em là đối tác của mình trong việc truyền thụ tri thức. Bởi học sinh hiện nay đến trường không phải chỉ để tiếp thu kiến thức một chiều, mà cần được truyền cảm hứng, dạy đạo đức, nhân cách làm người. Nếu không đáp ứng được tất cả điều đó, người thầy trên lớp sẽ mất dần chỗ đứng, không cạnh tranh nổi với “ông thầy google”, ông Huỳnh Thanh Phú bày tỏ.
Ngoài ra, theo cô Nguyễn Thị Hoa Hồng, giáo viên tổ Vật lý Trường THPT Nguyễn Du, đối tượng giảng dạy của các thầy giáo, cô giáo là con người chứ không phải máy móc, nên không thể lập trình sẵn cho tất cả hoạt động. Mỗi học sinh có một cá tính riêng, không thể có một giáo án chung cho cả lớp và giữa tất cả các lớp với nhau.
Nếu giáo viên không nắm bắt được tâm lý lứa tuổi của các em, không chủ động bước chân vào thế giới của học sinh, sẽ rất khó để các em gần gũi, tin tưởng trao đổi những khó khăn đang gặp phải.
Th.S Đinh Thảo Quyên, giảng viên Khoa Tâm lý học Trường Đại học Sư phạm TPHCM, khẳng định: “Giáo viên thời hiện đại phải thay đổi theo hướng đa năng, đa diện, không ngừng tự đào tạo, tự rèn luyện mới đáp ứng được những thay đổi của học sinh”.
Thay đổi tư duy giảng dạy
Theo TS Nguyễn Thị Bích Hồng, trước đây, môn “Giao tiếp ứng xử sư phạm” được xếp vào các môn tự chọn ở Trường Đại học Sư phạm. Song, nhận thấy tính chất quan trọng của môn học này đối với việc xây dựng hình ảnh, tác phong, cư xử của người thầy giáo nên từ năm học 2015-2016 đến nay, môn học này đã trở thành môn bắt buộc chung trong toàn trường.
Đồng quan điểm, Th.S Nguyễn Hồ Thụy Anh, giảng viên Trường Đại học Sài Gòn, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục kỹ năng ứng xử khi lên lớp đối với sinh viên sư phạm.
Mặt khác, Th.S Thụy Anh cho rằng ngoài việc đổi mới chương trình, phương pháp, tích hợp các ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, các trường sư phạm cần nghiên cứu, bổ sung thêm môn học “Kỹ năng giải tỏa phiền muộn” cho sinh viên.
Bởi “giáo viên khi lên lớp phải là người truyền cảm hứng, năng lượng tích cực cho học sinh. Nhưng nếu bản thân các thầy, cô giáo chưa hóa giải được áp lực về cơm áo gạo tiền, các mối quan hệ phức tạp và phiền muộn xảy ra trong cuộc sống, sẽ không thể nào truyền cảm hứng và nguồn năng lượng tích cực cho học sinh”, Th.S Thụy Anh phân tích.
Song, dù “cỗ máy cái” có nỗ lực thay đổi đến đâu cũng đòi hỏi sự “tự thân thay đổi” của chính các thầy cô giáo. TS Nguyễn Thị Bích Hồng nhắn nhủ: “Một bộ giáo trình, một tư duy đúng hoặc sai không thể phù hợp tuyệt đối trong mọi hoàn cảnh. Do đó, đòi hỏi sự chủ động và độc lập trong việc tổ chức giờ lên lớp của giáo viên. Mục tiêu của giáo dục hiện đại không phải tạo ra sản phẩm theo kiểu gà công nghiệp, mà cần tạo ra cá tính cho người học, truyền được cảm hứng học tập cho học sinh”.
Với kinh nghiệm nhiều năm đứng lớp, thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, cho rằng trong thời đại mới, học sinh rất giỏi 2 kỹ năng tin học và ngoại ngữ. Vì vậy, nếu bản thân người thầy không cập nhật kiến thức sẽ đi sau các em.
Ngoài ra, một số yêu cầu như soạn giáo án điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng nếu chỉ thực hiện một cách đối phó, lâu dần sẽ khiến giáo viên bị đào thải.
Một lưu ý khác, theo bà Đào Thị Xuân Thảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Xanh (quận Tân Bình), giáo viên cần có ý thức lắng nghe tiếng nói của phụ huynh và học sinh để hoàn thiện việc giảng dạy, chứ đừng đợi đến khi phạm sai lầm mới nói “xin lỗi” và “giá như”.